Nốt Bê-Môl một:
Vừa từ phi trường LA về tới Little Saigon. Trong lúc vợ con Thắng vào chợ ABC, hai thằng trên tay ly nước mía đứng đợi ngoài hiên nhìn bà-con-ta đi qua đi lại. Chợt Thắng nói “Giống về Việt Nam quá!” Tôi đang bềnh bồng những ý tưởng bắt nhịp lại cái đời sống rời đi cách nay một năm ba tháng. “Cali tới dễ khó về” đã cột chân cột cẳng con-thú-mê-mùi-rau-thơm tôi hai mươi lăm năm. Tôi rời mắt khỏi vị sư cô đang đứng quyên tiền giúp trẻ tàn tật ở Việt Nam, đáp lại “Ờ, tao cũng thấy ngộ thiệt!” rồi trong đầu chợt ví von ngộ nghĩnh “Cali bây giờ sao giống như bảy nốt nhạc đều bê-môl”.
Hai nốt Fa và Do giáng thì hóa sinh thành Mi, Si bình thường, năm nốt kia đều lui về lơ lửng lưng chừng. Kiến thức nhạc lý của tôi tồi quá nên không biết có sáng tác nào năm Thăng sáu Giáng hay không? Mà thắc mắc làm chi! Tưởng tượng cả bảy nốt đều bê-môl hết thì đáng buồn thiệt!!
Tôi hợp với âm giai Thứ hơn Trưởng. Cầm guitar lên thường bấm dạo hợp âm Mi-thứ, rồi thì nhạc Trịnh rơi theo. La-thứ bình thường quá, không đủ sức tạo xúc cảm cho tôi nuông chìu nó. Rê-thứ reo rắt buồn nhưng chưa buồn sâu. Do-thứ làm lòng chùng xuống như chán đời thất tình. Si-thứ buồn thanh thoát nhẹ nhàng như gió thu. Mi-thứ mông mênh rộng, nhiều nốt buông thả, thiên nhiên hơn. Có lẽ thế, tôi dễ thả hồn theo “Ướt mi”, “Biển nhớ”, “Bài không tên số hai”, “Tình nhớ”... Thả lòng theo hơi hám bồng bềnh ấy như thả hồn theo tiếng chèo khua sóng nước trên sông đêm tĩnh mịch.
Có một lúc, tôi đọc thường xuyên truyện ngắn, “nghe nói” thì tìm đọc “truyện dài nghe nói” ấy. Đọc những nhà văn có cùng cuộc sống xa nhà, xa quê hương xứ sở, chia sẻ một chút tâm trạng mà chữ dao to búa lớn gọi là “lưu vong”. Đọc giống như tìm chút lửa ấm lòng, cho vui-đời-tị-nạn. Truyện ngắn “Vận tốc trung bình” của Lê Thị Huệ tôi rất thích, truyện ấy có lần nghe nhà văn Mai Thảo khen “tuyệt vời”. Một số truyện giản dị dí dỏm ban đầu của Nguyễn Ngọc Ngạn làm tôi cười thích thú và nhớ khá lâu. Đọc “Vũ điệu loài công” của Trần Diệu Hằng. Tập truyện “Ngựa nản chân bon” của Nguyễn Mộng Giác tôi đọc đôi ba lần và rất lấy làm thú vị. Trần Vũ với “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” cùng một ít truyện khác, tạo ra nhiều tiếng vỗ tay đầy khâm phục của giới yêu văn chương.
Rồi thì cơn-sóng-một-thời ấy cũng lắng dần. Biển không còn những con thuyền nhỏ bé liều mạng vượt thoát khỏi Việt Nam, mà, biển bắt đầu có những con tàu trên trời bay về tìm đất mẹ. Nhiều đêm một mình lái xe thăm biển vắng, ngồi lặng lẽ, lơ ngơ trong gió lạnh sương chùng, lắng nghe tiếng vỗ rì rào của sóng, dõi mắt nhìn tận xa ngoài mặt biển đen ngòm, thỉnh thoảng thấy vài con chim nhỏ mình bông nâu như chim cút chạy xoèn xoẹt một khoảng xa trên bãi cát trước mặt rồi dừng lại, tôi cảm thấy mình cũng bơ vơ hắt hiu như chúng trong đêm khuya vắng lặng lạnh lùng. Đến khi thấy lạnh đứng lên về, tiếng sóng còn đuổi theo sau lưng, còn âm rang trong đầu trống rỗng.
Vậy mà hai mươi lăm năm quẩn quanh con Phố Cát. Nhiều con phố mới mọc lên. Người Việt đông ra, bạn bè ít lại. Ai cũng đã xây xong tổ kén và thu mình vào đó. Một số “không may” thì gửi thời gian vào quán rượu tiệm cà phê. Sức của tuổi súng gươm vá trời bây giờ tay cầm gọn chai bia ly cà phê đắng. Nhạc dập dìu như thứ thuốc bôi vào những vết xước sây.
Sau mười sáu năm, tôi trở về thăm Việt Nam. Chuyến đi hai tuần lễ, nhanh chóng, vội vàng, ngẩn ngơ, hụt hẫng. Nhiều điều không dám nói thật, vòng vo tam quốc xa gần. Thằng bạn phát biểu: “Sao tụi mày nói tiếng Việt giỏi vậy?” và “lâu lắm mới nghe lại cái kiểu nói hồi xưa”. Trên đường về Bạc Liêu, thằng bạn thân cùng đi, ghé Mỹ Thuận ăn trưa. Chưa ăn xong, Thử, thằng bạn chạy tìm cầu cá tra. Trở lại vào bàn, mặt nhăn nhó nói “Mười mấy năm cái bụng nào biết tới mấy món cao cấp này nên nó không chịu nổi”. Mặt Thử bí xị đầy tiếc rẻ. Tôi ăn hết ngon con tôm càng xanh hấp nước dừa, buông đũa, thương bạn. Mặt cố điềm nhiên, tôi bảo Thử “Tao mày một xị đi, cho ấm bụng”.
Câu Thử than thở cái bụng nó, ám ảnh tôi suốt trên chuyến bay về Mỹ. Từ đó thôi, không còn “chuyện ngắn chuyện dài chuyện đôi ta” gì nữa.
Nốt Bê-Môl hai:
Tôi thuộc phần tử “không may”, không tạo được chiếc kén để thu mình vào tháp ngà. Nhưng không phải thành viên nâng niu ly cà phê đắng thả hồn theo lời nhạc ru xưa, tôi rơi vào thành phần vui sống với men cay. Nói vui chứ rất sợ say, mỗi lần “bị say” thì “buồn bỏ mẹ”, lúc ấy “rưng rức khóc ai hồn đáy cốc, mà tay quờ quạng muốn xô trời”. Đôi lúc “Một đêm khuya bước vào quán rượu, gọi order em cho một nụ cười”. Có khi ngồi ngắm trời ngắm biển “Chiều nay biển chôn mặt trời xuống đáy, như tình yêu chôn vào rượu ta say”. Nguyễn Bá Trạc hôm ngồi chung một bọn bày đặt ăn nhậu mừng tập “Sài Gòn ở phố lưu vong”, lướt qua nhiều bài thơ rồi ngôn “Ơ cái anh này, bài nào cũng có rượu ở trong”. Tôi bấy giờ mới để ý.
Cái khoảng sống quẩn quanh xóm chợ ấy, tôi rơi vào “làng báo”, làm nghề lay-out độ nhật. Đến làm cho tờ Đồng Nai của Dương Hữu Chương & Diễm Chi thì anh Hoàng Song Vân đang làm ở đó, lo về bài vở. Lúc ấy anh hút pip, ngậm vố trông oai và nghệ sĩ lắm. Gọi “Anh” theo tập-quán-anh-em-văn-nghệ, thực ra anh lớn hơn tôi những hai giáp. Nhớ lần đầu gặp nhà văn Mai Thảo, anh Du Tử Lê giới thiệu, tôi thấy “bậc trưởng thượng” lớn tuổi nên gọi bằng “Bác”, ông liền xụ mặt không vui. Đã vậy, thêm ngu-ơi-là-ngu nữa, thấy dáng ông cao, khuôn mặt hao hao giống ông nội tôi, buột miệng nói liền. Đến thế thì ông phải bật cười, thiếu điều mắng “Thằng chó, bộ tao già lắm sao!” nhưng sau khi cười thằng-nhỏ-ngây-ngô, ông từ tốn bảo tôi “gọi bằng anh được rồi”. Anh Lê cười chưa dứt, còn tôi thì le lưỡi “Dạ”. Có thể nhờ cái thằng-ngây-ngô hôm ấy mà về sau ông luôn dành cho tôi sự thương mến. Hôm tình cờ sáng sớm đến thăm ông, ông ký tặng tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” đưa tôi, cười vui nói “Nhất cậu nhé, quyển đầu tiên cậu đấy!”
Trở lại, thỉnh thoảng tôi đến nhà anh Hoàng Song Vân chơi. Được biết anh vượt biển đôi chục lần, hết vàng, cuối cùng chỉ đủ đi được ba cha con. Giới thiệu đây Dũng anh, Long em. Vợ anh cùng vài người con nữa còn kẹt lại, vẫn tính đi, chưa biết làm sao. Đại khái vậy, năm ấy 1986 thì phải.
Một hôm anh mang đến bộ đồ nghề hút pip của anh. “Bà xã moi sang rồi, cả mấy đứa. Bây giờ những cái này tôi phải giao lại cậu, tôi không còn ‘giấy phép’ sử dụng nữa”. Tôi chúc mừng anh gia đình sum họp.
Thay đổi công việc bao lần, nhưng giao tình giữa tôi và anh vẫn đầy. Tôi sống lông bông vô tư, bè bạn nhậu nhẹt tưng bừng, cơm hàng cháo chợ vợ thì không. Anh có lại đời sống với tổ ấm có chim mẹ chim con. Anh cùng tôi chung khung trời Bolsa phố cát nơi mệnh danh “thủ đô tị nạn”, nhưng tôi còn có lúc tìm đến biển ngắm “trời bơ vơ” cho bớt bơ vơ giữa trời; còn đến LUP nghe Lê Uyên Phương hát bài “Trái tim kẻ lạ” để thấy “trái tim kẻ lạ là chính trái tim mình”; còn có một đêm khuya quán đóng, một bọn ngồi nghe Trầm Tử Thiêng ôm đàn hát nhạc phẩm mới sáng tác “Đêm nhớ về Sài Gòn” để thấy đàn “chim lạc” chùm nhum nơi “Sài Gòn-Nhỏ”; còn đón giao thừa ở Phở Ngon nghe Duy Khánh “Xuân này con không về”, vân vân và vân vân.
Riêng anh, từ lúc sống ba cha con đến lúc sum họp cả gia đình, anh luôn sống chừng mực, trách nhiệm, gương mẫu. Chưa nghe anh nói-chuyện-của-ai bao giờ, chưa nghe anh giận ghét ai bao giờ. Anh thương thằng em sống lẻ loi bụi đời, mỗi năm Tết về anh đều ghé qua cho ít quà mừng xuân đón tết. Thi thoảng dư chút thì giờ, anh đến tôi chơi hoặc kéo đi ăn tán dóc. Tôi vui mỗi khi gặp anh và vẫn vô tư “một ngày như mọi ngày”…
Một buổi chiều lạnh cuối đông, như mọi năm, anh tạt qua biếu tôi quà tết. Cái mobile home tôi cửa luôn mở, tôi đang bận trước computer, cười mừng lúc anh bước lên bậc tam cấp vào nhà. Nụ cười chợt ngưng khi nhận ra anh bước chậm lên nấc thang. Tôi như người choàng tỉnh giấc cô-ma. Mình già không hay, anh yếu không biết. Tôi đứng bật dậy, vội bước ra đỡ túi quà trên tay anh, trong lòng có chi nhoi nhói.
Tôi vô tư đến quên là anh và tôi đã trên hai mươi năm giao tình nơi cái vườn-cam-tị-nạn này. Tôi đã vô tư đến độ quên bẵng bên cạnh hai mươi năm tình bạn vong niên ấy, hai giáp tuổi hơn tôi đồng thời cũng đè nặng trên vai anh. Nhưng tôi đã không đủ can đảm nói lời muốn nói, rằng năm sau anh đừng cho quà em nữa, anh yếu rồi, ai lại làm thế, tội em chết; vì sợ nói vậy anh nghe, buồn thằng em nhắc mình già; lại nói trớ đi “Anh đừng thương chìu em như vậy nữa, chìu riết em càng hư. Đúng ra em phải nhớ Tết mà mang quà biếu anh. Em thiệt tệ hết cỡ nói…” Anh cười thông cảm: “Cũng tiện đường thôi, tôi biết cậu không có ai”.
Anh về rồi, tôi bỏ mặc dở dang trên máy, ngồi nhìn gói quà tết trước mặt, hút thuốc mãi. Đối diện tôi là bàn thờ Phật, trên thùng loa bên cạnh, ông Phật Địa đưa bụng ra đường cười toét miệng. Trên vách bên kia dán mấy tấm hình những người tôi thân, quý. Sống có đức Đạt Lai Lạt Ma 14, có Phạm Công Thiện, Lữ Mộc Sinh, người vợ thôi nhau cùng ba con gái. Chết rồi có Bùi Giáng, Mai Thảo, Cao Đông Khánh, Lê Uyên Phương, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Linh Duy; và mất gần đây nhất là Vô Thường mà căn nhà bên kia đường còn hai con gái Diễm, Khanh đang ở.
Bỗng dưng tôi cảm nhận ra mình lạc lõng cô độc vô cùng trong căn mobile home một chiều cuối năm lạnh lẽo. Cái xóm mobile home mà chín năm về trước, khi tôi lần đầu đến vào chạng vạng ban đêm với Vô Thường, tôi chợt ví von chúng giống như những ngôi-mộ-sống giam cầm những con người già héo cô đơn. Ý tưởng rời bỏ khu-cổ-mộ-sống này chợt lóe lên.
Nốt Bê-Môl ba:
Thanh Trúc ơi, ai cũng có chuyện tình như những chuyện tình trong “bảy nốt”. Chuyện tình thường là buồn. Viết thành nhạc thường là “bê-môl”, “Love is blue” cũng Mi-thứ dù màu dương xanh bầu trời. Còn tôi, thuộc tầng lớp “những tưởng đầu đường thương xó chợ, ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau” như Bùi Giáng tả chân, tôi có chuyện-tình-điên.
Ngồi ăn trưa trong khu Phước Lộc Thọ, quán này có món cá nục kho khóm rất ngon. Chợt dòm qua thấy một cô gái đang cười làm dáng với tấm gương to gắn trước cửa tiệm “neo” cô đang đứng. Một lúc sau, cô đến xin tôi điếu thuốc. Tôi đã mường tượng cô không được bình thường, chìa gói thuốc ra, nói thêm “Em ăn cơm không? Ăn thì ngồi xuống ăn với tụi anh, đừng ngại”. Cô cười tươi “Thiệt hông? Anh mời, em ăn à”, rồi liền ngồi xuống. Tôi xin thêm chén đũa, cô xúc cơm ăn ngon lành. Khi đi ra, cô đi theo. Tôi móc túi đưa cô tờ hai chục, nói “cho em mua gì mua. Anh chỉ làm việc ngày thứ Năm ở đây – tôi đưa tay chỉ chỗ tôi làm – em cần tiền ghé đó anh cho”. Cô cười đáp “Dạ, cảm ơn anh”.
Tuần sau, tôi làm việc đến chiều, vừa xong thì cô tới. “Em đói bụng quá, anh có gì cho em ăn không?” Tôi lúng túng chưa biết sao, nhưng nghĩ lại cũng tại mình dặn nên cô đến tìm, bèn bảo “Anh chở em đi ăn, chịu không?” Nhớ Pagolac ngày thường ít khách, tôi đưa cô đến đó.
Quán vắng thật. Gọi tôm bò nướng vĩ. Thấy cô cuốn không được, tôi vừa cuốn vừa nói “Em cuốn như vầy thì cầm vừa ăn”. Lại không cuốn được, tôi lại cuốn cho. Cứ thế, cô ăn ngon lành, mắt sáng rực, miệng nuốt không kịp. Gọi thêm một phần. Cô ăn như “chết thèm”, một mình ăn một hơi hết hai phần vẫn như chưa đã miệng. Tôi gói muốn không kịp tay, nhìn cô ăn vừa vui vui ngộ ngộ vừa ngùi ngùi thương cảm.
Theo lời, tôi chở thả cô về khu Phước Lộc Thọ. Chờ cô bước ra xe xong, tôi đưa cô hai tờ mười, nói “em còn thèm gì thì mai mua ăn” cô vân vê hai tờ giấy bạc, lộ chút mừng sướng trong mắt: “Em tên Đường Mỹ Linh, đẹp nhất ở cung Hằng nên thường múa cho Đường Minh Hoàng coi”… Trên đường về, tôi thầm hỏi còn bao cô gái như thế nơi cái xứ tạm dung này? À, đêm nay Mười Sáu, cung Hằng sáng rực trên trời cao.
Vài tháng sau, khi cô bị đưa trở vào nhà thương điên, cô viết giấy nhờ người mang đến chỗ tôi làm, nhắn: “Em thèm đồ ăn Việt Nam lắm, anh mua bún tôm thịt nướng cho em nghe”.
Vậy là cứ mỗi cuối tuần tôi mang một món ăn Việt vào nhà thương thăm cô. Cô ngồi đối diện với tôi ở một bàn nhỏ, nơi có y tá qua lại canh chừng, ăn ngon lành thức ăn mang đến. Ba tháng sau, cô có vẻ tỉnh táo nhiều. Đến thăm, cô cho biết có người quen hồi trước cùng xóm, bảo lãnh cô về tiểu bang X nên hôm nay sẵn dịp cô từ giã luôn. Mắt cô long lanh nhìn tôi rất tình-cảm-một-hồi, rồi nói nhỏ nhẹ: “Em thiệt thương anh hết sức, anh tốt bụng với em lắm, nhưng anh không có nhà ở nên em để người ta bảo lãnh em đi. Em không lấy được anh, anh đừng buồn nghe!”
Câu nói thật tỉnh táo. Tôi chúc “Em đi mạnh khỏe ha”. Trên đường về, tôi tự hỏi có phải là chuyện tình điên của nàng không? Chắc cô tỉnh ra, thấy mình điên thật nên từ chối khéo.
Cô bị đưa vào nhà thương điên lại vì một sáng cô múa khỏa thân cho Đường Minh Hoàng coi ở trước cổng Phước Lộc Thọ. Cách đó không lâu, trời đã vào đông, khi gặp cô tôi mang cô đến “Bà Chúa Xứ” xin Kiều Nguyên Tá nếu cô có tới thì cho cô ngủ nhờ, trời lạnh tội nghiệp cô. Cô bình yên được vài tuần, tối ôm sleep-in-bag lên điện Bà nằm ngủ co ro. Một tối tôi ở lại chơi, bỗng cô “lên vùng” múa ca không nghỉ, Kiều Nguyên Tá chịu hết nổi nạt một tiếng, cô đái trong quần. Tôi phải hy sinh bộ đồ ngủ lạnh của mình, dắt cô vào phòng tắm, cô hồn nhiên như đứa trẻ cởi đồ ra cho tôi lau rửa thay đồ. Thương thay cho vóc dáng ngọc ngà mang tâm thần điên dại, bị bao kẻ mất lương tri lạm dụng dày vò.
Thanh Trúc, cô ấy điên vì lúc vượt biên mười lăm tuổi bị hải tặc bắt đi, thả về thì cô có bầu. Cô sinh một bé gái xinh xắn (luôn có tấm hình con trong bóp), qua Mỹ cô bị gia đình cha mẹ ruồng bỏ. Khủng hoảng, người hóa dại điên nên con cô bị chính phủ giữ. Lúc tôi gặp, cô hai mươi sáu tuổi, gương mặt đẹp đẽ, vóc dáng thanh tao.
Nốt Bê-Môl bốn:
Vài năm sau, bỗng có ngày, một người bạn gọi phone đến “Ông tới ngay, có cái này đặc biệt lắm dành cho ông”. Gặp lúc rảnh rang, tôi tò mò đến. Vào nhà thấy một cô gái xinh đẹp trong sáng, mặc bộ đầm như con nhà giàu, e ấp ngồi thu một góc ghế. Anh bạn ghé tai tôi “Trên trời rớt xuống. Người khác ba, ông hai (trăm). Xong quên đi, không gặp lại đâu”. Độc thân gặp mối như thế đúng là trên trời rớt xuống thật. Nhưng sao tôi thấy có gì không ổn ở cô gái này. OK, tính sau. Thầm nghĩ vậy, rồi vào phòng.
Khi nằm xuống, mắt đối diện nhau, tôi nhận ra hạt lệ vừa lăn khỏi con mắt đẹp tròn xoe của cô. Tôi xẹp như bánh xe cán đinh, ngồi lên. Cô kéo tay tôi nằm xuống, “Em cần tiền, nhưng không ngờ phải như vậy”. Tự dưng tim tôi đập mạnh. Tôi bị xúc động ngang xương. “Vậy em lấy tiền rồi về đi, coi như xong. Vừa nhìn thấy em, anh cũng nghĩ em không phải người như vậy”. Ngập ngừng, tôi tiếp “Nếu em không muốn vướng vô, đừng vướng, chấm dứt liền hôm nay. Quên đi. Khi nào kẹt tiền gọi anh, hy vọng giúp em được chút ít. Đây phone anh, em tin thì gọi. Bây giờ về và quên đi”.
Trên đường về tôi còn cảm thấy tim đập nhanh, lâng lâng như một giấc liêu trai. Con bé đẹp mà sao khổ vậy? Làm sao thấy hết sau bức màn nhung đời sống? Ngày qua ngày, tôi dần quên, một hai tháng gì đó đã trôi qua.
Đang ngủ nướng vì là ngày nghỉ, phone reo. “Còn nhớ em không? Anh chỉ nhà, em đến thăm anh”. Cúp phone sau một lúc nói chuyện chỉ đường cho cô tới nhà, tôi vẫn còn bị cái bất ngờ khó tin sốc mạnh.
Nàng đến như một con người mới khác, sắc diện hiền lành trong sáng tươi vui. Bộ đồ đầm mới, váy ngắn xanh đậm, áo tươi da trời, vớ lưới đen cao ôm đôi chân săn chắc kín đáo mà khêu gợi, mái tóc ngắn ôm gương mặt sáng sủa. “Anh ở một mình không ai ở chung sao?” Nàng hỏi, sau một lúc ngồi chuyện trò vui vẻ như bạn thân lâu ngày gặp lại. Nàng mang theo tập Album gia đình, lật ra chỉ cho xem ba má, anh chị, các cháu và nàng, như ngầm giới thiệu một gia đình đàng hoàng. Trước khi từ giã, nàng nhìn tôi, nói một cách nghiêm chỉnh: “Bây giờ thì em biết anh ra sao rồi. Em quyết định như vầy, anh đừng cãi em, là mỗi tháng em sẽ ghé thăm anh một ngày, sẽ gọi khi em đến được, nhưng phải không ai trong nhà. Em cần anh giúp em ba trăm một tháng, em là tình nhân của anh trong ngày đó. Chỉ xin anh bí mật chuyện mình là em đến”.
Vậy đó, đúng là mưa trên trời rớt xuống tim khô. Tôi có cuộc tình “bí mật” và “sòng phẳng” như vậy gần hai năm.
Trước khi nàng bị bộ óc không còn bình thường hành hạ, tôi chỉ biết nàng ăn chay, cho biết thường vào chùa, tự ngồi thiền hằng đêm. Cách ăn mặc từ sang trọng lịch sự thay đổi dần ra xuề xòa hippy. Do nàng kể nhìn thấy một nữ Bồ Tát hiện ra bên nàng, tôi đặt “mật danh” cho nàng là “Tara”.
Loáng thoáng những chuyện riêng tư nàng kể, có hai sự việc ảnh hưởng lớn đến tâm lý nàng: Một là người yêu nàng chết bất ngờ ngay trước mắt, khiến nàng không thiết tha gì tương lai. Hai là gia đình nàng không chia sẻ nỗi buồn nàng cưu mang đầy ám ảnh sợ hãi đó. Nàng xin vào một ngôi chùa Thái, xuống tóc, ở ba tháng, trở về đời thường. Về sau được một vị Lạt-Ma nhận làm đệ tử. Tôi hoàn toàn không biết nhà nàng, số phone nàng, đó là giao ước.
Bẵng đi vài tháng Tara không đến, chợt một hôm nàng tới bất ngờ, vận bộ trang phục khoe chính nàng design: Chiếc váy ngắn xếp thành chiếc nón Ai Cập đội đầu. Mắt tô tươi xanh dương thật rộng trên mí như Cleopatre. Một chấm son giữa trán như Ấn Độ. Áo Jean bó và vận váy khăn dài đầy bông to kiểu Thái Lan. Cổ choàng nhiều chuỗi dài kiểu da đỏ Mỹ. Xoay cho tôi ngắm một vòng, hỏi “Anh xem có hippy không?” Tôi dốt thời trang nữ, ậm ừ đáp “Lạ nghe…, mà sao em thích vậy?” Nàng nhìn tôi, tươi cười hãnh diện “Em sắp là Tiên Cô rồi, phải design cho đúng kiểu”. Tôi tá hỏa, ôi thôi, còn đâu “tình nhân một ngày” đầy trong sáng thơ ngây! Cặp mắt tròn xoe đẹp đẽ trong lành ngày nào bây giờ rừng rực lửa ma trơi. Tôi chết lặng, buồn muốn sụm hai chân.
Sau đó là thời gian nàng đến nhà tôi thường xuyên, không còn chuyện “tình nhân một ngày” với nhau nữa, nàng đến như ở nhà nàng, bất chợt đến, bất chợt đi, nhưng đưa chìa khóa nhà nàng không nhận, tôi đành luôn để cửa không khóa. Nàng đến dọn dẹp lau chùi sạch sẽ trong nhà, nấu món chay, chờ tôi về cùng ăn tối, rồi lặng lẽ lái xe đi. Có hôm, “trúng tần số”, nàng đứng như một diễn giả, diễn thuyết thao thao tám tiếng đồng hồ chưa dứt. Cứ một lúc, sợ nàng khô cổ, tôi đưa ly nước, từ chối không uống, tiếp tục kể tội lỗi những-tên-tuổi-Bolsa mà nàng biết. Xong một nhân vật, kết luận “Tôi đang nói cho người-ở-trên nghe đó, mấy người ráng tu đi”. Có khi tôi ngủ khèo ở ghế sa-lông một giấc, thức dậy vẫn còn màn “Hoa Sơn luận kiếm”.
Không biết “mấy người” hay mấy “nhân vật tên tuổi Bolsa” bị nàng luận tội đó, có dính gì tới chuyện “Một Ngàn Lẻ Một Đêm” với nàng hay không? Chỉ có nàng và “người-ở-trên” biết.
Bạn bè hay ghé nhà tôi, gặp phải lúc ấy, nàng coi như pha. Đám bạn nhìn qua bản mặt méo xẹo, có khi thản nhiên, có khi buồn-mệt-mỏi của tôi, cắc cớ hỏi “Ông giải quyết sao đây, Trần?” Ít ra, cho nàng có một trạm dừng chân. Tôi thật không biết phải làm sao đối với một cô gái đôi mươi xinh đẹp đang điên dại đầy đau khổ và phẫn nộ như thế. Cứ để đến khi nàng đuối sức, trở lại im lặng như người bình thường. Một lúc sau, nàng lặng lẽ lái xe đi. Ông hàng xóm tụng Dược Sư ngày ba cử kế bên nhà, cũng thường nghe thấy “Tiên Cô Luận Kiếm”, đi ngang nhìn tôi nói “Thiện tai, thiện tai”.
Một hôm đi làm về thấy cơm đã dọn chờ, trông nàng hôm ấy rất tỉnh táo, hiền lành, thỉnh thoảng cười mỉm chi duyên dáng. Dọn dẹp sau khi cơm xong, ngồi chơi một lúc, nàng nhỏ nhẹ hỏi tôi “Anh có bao giờ nghĩ đến lập gia đình không?” Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng. Tôi im lặng nhìn nàng, chờ đợi. Nàng tiếp “Anh có muốn lập gia đình với em không? Ba má em biết em chịu lấy chồng chắc vui lắm”. Trời hỡi, phải làm sao đây?
Tôi im lặng với bao dồn dập xót xa cho nàng, cho tôi. Có lẽ giác quan thứ sáu của phụ nữ trong nàng rất nhạy bén, nàng nói liền không chờ đáp “Em hỏi vậy thôi, chớ em biết là anh không nghĩ tới đâu. Thôi quên nghe anh”. Nàng bắt qua chuyện thường ngày “Em có làm món ăn cho anh mang đi làm, mai nhớ đem theo nghe. Em thay áo gối cho anh rồi nghe. Ngày kia đức Đạt Lai Lạt Ma đến Long Beach, em sẽ đi dự”, v.v…
Sau ngày đó, nàng biệt tích. Hai năm sau, Thúy, người ở Việt Nam mà về sau thành vợ tôi, qua Mỹ. Một chiều tôi đang cùng vài bạn thân ngồi nhậu chơi, Tara xuất hiện ngoài cửa, vợ tôi ra hỏi cô tìm ai. “Tôi muốn gặp anh Trần”. Vợ trở vào nhà “Anh, người đẹp tìm”. Tôi rời bàn bước ra. Hương bây giờ ốm gầy xơ xác, tim tôi siết lại. “Hương, khỏe không em, vô nhà chơi nghe!” “Em phải đi liền, xin anh tiền đổ xăng thôi!” Tôi móc nhúm tiền trong túi dúi vào tay Hương. “Cảm ơn anh, anh có vợ rồi phải không? Em đi nghe!” Hương nhón tới hôn phớt vào má tôi rồi quày quả đi. Vào nhà, vợ cười ghẹo “Em thấy hết trơn rồi nghe! Tara hả anh?” Thắng đọc hai câu thơ hắn làm chọc quê tôi lúc trước “Em là Thánh Nữ Tara. Trời sai xuống cõi ta bà hại anh”. Phạm Công Thiện ngắt “Thôi mày, nó khổ cũng đủ rồi. Tội nghiệp con bé…”
Không lâu, tôi bán căn Mobile Home. Một năm sau vợ chồng tôi giã từ Quận Cam phố cát, đến định cư nơi một xóm nhỏ, Texas.
Nốt Bê-Môl năm:
Xa hơn năm về lại Cali bỗng thấy Cali buồn như những nốt giáng. Dụng ý về thăm ba má nên tôi không đi ra ngoài ngoại trừ cần thiết. Vì vậy chẳng gọi lung tung, chỉ vài thân quen gần gũi. Sẵn về, mua ít sách, nằm nhà đọc cũng tiện.
Anh Hoàng Song Vân thời hợp tác các báo, anh cung cấp cho độc giả những bài kiến thức về loài vật, thiên nhiên, không gian, lịch sử thật độc đáo, ai đọc cũng yêu thích, đón chờ. Đó là cái “thú vui riêng” của anh, anh mang ra “biến hóa” thành “món hàng” mưu sinh qua báo chí. Có lẽ bao nhiêu bộ “Bách Khoa Kiến Thức” đều khó lọt khỏi tay anh. Anh đã buông bút từ lâu mà hiện trên kệ sách anh cũng còn bảy bộ (anh cho biết).
Hồi đó đọc những bài sưu tầm kỳ lạ hấp dẫn của anh, tôi có ý nghĩ là anh không còn hứng thú giao du với “loài người” nữa. Anh khám phá ra ở loài vật chúng có tình, có thủy chung, có can đảm, có khí phách, có công bình, có bình đẳng hơn ở xã hội loài người; ở thiên nhiên, hoa cỏ, núi sông, rừng suối khiến tâm hồn cảm thấy an bình, thoát tục; đôi khi còn dạy ta một triết lý sống nào đó thật sâu sắc, thú vị. Hay cao xa hơn, không gian vô tận trên trời, những ngôi sao lấp lánh, những thiên hà, ngân hà mà theo bước khoa học khám phá dần ra, cho con người thấm thía về sự nhỏ bé, từ một hành tinh, một sinh vật, một siêu vi vật đến sự ngắn ngủi một kiếp đời, một kiếp sống. Có lẽ thế mà anh “nhìn thế sự phù vân lặng mỉm cười” chăng?
Tưởng sau thời gian dài anh “rửa tay gác kiếm”, những bài sưu tầm giá trị đã bị bỏ quên. Không ngờ có tờ báo yêu cầu anh gom toàn bộ công trình sưu tầm ấy để xuất bản thành sách. Đây là một niềm vui trở lại, như mùa xuân trở về thắp nắng lên cây.
Nốt Bê-Môl sáu:
Đến ngồi chơi với anh trong phòng làm việc, thấy tập truyện “Bảy nốt trên khuôn nhạc”, tác giả Trang Thanh Trúc khá trẻ, tò mò tôi giở ra đọc. Đọc bắt, đọc tới nữa, thích ngay, hỏi mượn anh. Đêm đó, đọc một lèo liền tù tì. Đọc một hơi giống như đọc “Tháng Ba gãy súng” hồi mới ra lò của Cao Xuân Huy.
Trong đầu tôi lúc mới về lại, Cali buồn như bảy nốt giáng, nay tình cờ gặp tựa đề bảy nốt nhạc, muốn coi bảy nốt trên khuôn của cô này ra sao, thăng hay giáng? Tập truyện là những mảng sống, những phiếm lòng, những nốt tâm sự. Đa phần đều ở trong khuôn không gian xa xứ, mà bằng lối văn ngắn gọn lôi cuốn, dẫn người đọc bước mãi theo “mùi hương” những con chữ thông minh sống động, một thứ mùi hương làm quyến rũ tâm hồn, làm rung động trái tim.
Chỉ có nữ giới mới thật sự biết sử dụng sức mạnh của mùi hương. Có khi phảng phất, có khi đậm đà, có khi ngọt mời, có khi nồng gọi, có khi hững hờ, có khi vu vơ; nhưng sức mạnh vô hình ấy khi chạm phải, có thể khiến cho tâm hồn say sưa, ý chí bi lụy, khiến người ta ngây dại, mềm lòng, mê đắm, mơ mồng, ghiền nhớ, yêu ái, tương tư. Có lẽ thế, Mai Thảo, một “tay chơi sành điệu”, nên ông có tác phẩm “Để tưởng nhớ mùi hương”.
Tôi có đọc được vài truyện của Phạm Thị Hoài. Nữ văn sĩ này thuộc hàng cao thủ, võ công ghê gớm không kém Nguyễn Huy Thiệp. Đọc hay mà sợ. Đây là thứ võ công sát thủ, như Tây Môn Suy Tuyết, lạnh lùng thổi giọt máu còn vương trên mũi kiếm sau tuyệt chiêu kết liễu. Tôi yêu văn Lê Thị Huệ. Tôi thú vị với văn phong ngắn gọn tươi tắn của Trang Thanh Trúc. Về thơ thì tôi yêu tiếng thơ Ngô Tịnh Yên. Yên cũng là người phụ nữ ôm hai đứa con như Thanh Trúc, nhưng trải qua cay đắng, vất vả và nghèo khổ lúc chia tay vợ chồng. Chất sống ấy biến Yên thành một nhà thơ “thật thơ”. Thơ của Yên đầy chất thật của cuộc sống mà cô bương chải, đương đầu. Người có trái tim thật sự không thể nào đọc thơ Yên mà con tim mình không rung động ngậm ngùi, chưa kể cô có một “phong thái thơ” tuyệt vời riêng. Tôi và Yên là bạn thân tình.
Lần mua sách này, có bộ “Liêu Trai Chí Dị”, Cao Tự Thanh dịch, gồm hai quyển 500 truyện. Đọc thong thả, xen kẽ, vào buổi tối. Công nhận Cao Tự Thanh dịch hay, văn phong hấp dẫn, đọc không bị sượng, khâm phục. Thanh Trúc có nhiều truyện ngắn không kém gì ở Liêu Trai. Đằng sau cái tươi tắn, trẻ trung, bình thản của Thanh Trúc, thỉnh thoảng tiềm ẩn một nỗi buồn nhẹ nhàng kín đáo. Hãy đọc thử một đoạn trong “Viết cho Trực” để nhận ra vì sao tác giả có lối văn xinh tươi trong sáng.
“Hãy sống với lòng rộng lượng bao la hơn. Con sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn, và niềm vui hình như sẽ dễ nhận ra hơn! Hãy biết khen khi con nhìn thấy điều hay, cái đẹp trước mắt. Đừng ngại khi khen một người bạn là tự hạ thấp sự yếu kém của mình. Hãy đừng chê bai điều gì nếu như con không biết khen lấy được một lời. Hãy tập biết tha thứ để mai sau này khi con vấp ngã con sẽ cảm thấy vết đau nào cũng không chóng lành, nếu ta không thật sự cố gắng quên đi!”
Và thêm một chút: “Ngày mai có là gì đi chăng nữa, hãy luôn biết cảm ơn và giữ gìn những tấm lòng của những người đã đến và thương yêu mình… Sống đừng quá quan trọng vấn đề! Con hãy sống ngay thẳng cho chính bản thân con là được rồi”.
Cô gọi là “chút tâm sự viết riêng cho con”. Đó là những lời dặn dò dành cho đứa con trai 12 tuổi của tác giả. Khi mình “thật có” mình mới có thể “thật cho” người khác được. Những lời tâm sự dành cho “con” này, tôi thêm vào sau chữ “con” một chữ “người” nữa.
Quả thật bảy nốt của Thanh Trúc rớt xuống khuôn truyện đều toát ra mùi hương của nỗi buồn lá khuynh diệp rơi thanh thoảng trong mùa hè oi bức. Cái khuôn đời-sống-xứ-xa oi bức và chật hẹp như một khuôn nhạc. Những nốt-nhạc-đời-sống ấy thăng giáng, bổng trầm. Có nốt rớt xuống dưới khuôn, có nốt vượt lên khỏi khuôn, có nốt muôn đời an phận quẩn quanh trong năm dòng kẻ. Truyện của Thanh Trúc như những tiết tấu khi ngắn khi dài, khi nhanh khi thong thả, khi réo rắt khi lạnh lùng, tác giả dạo thành những bài “Tình” ca đầy xao xuyến rung động lòng người.
Là một người “biết sống”, cho con những dặn dò mà chính người mẹ ấy đã sống qua như thế, thì sao không làm cho ta đem lòng quý trọng được? May thay, nốt nhạc của đời nàng và nốt của ai kia “sống thật”, lại là hai nốt-giáng hóa sinh hai nốt bình thường. Không phải treo lơ lửng bất thường. Bình thường là sống hạnh phúc, an lành; bất thường là sống dở chết dở, tiến thoái lưỡng nan.
Một chút buồn thôi. Vì Mi và Si cách xa nhau chỉ mỗi một lằn kẽ hàng rào.
Nốt Bê-Môl bảy:
“Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Đọc trong tập truyện mới biết Trúc xóm giềng với Dũng, nên có truyện kể về Don Hồ. Quả đất quả tròn, hai người gặp lại, tình càng thêm thân.
Khi cassette đầu tiên của Don Hồ xuất hiện gồm nhiều nhạc phẩm ngoại có lời Việt (nếu nhớ không lầm), và Don Hồ đã hát xuất thần băng nhạc ấy. Lại đúng ngay lúc nhạc ngoại vừa chớm tái xuất giang hồ sau thời gian bặt tiếng vì nhạc Việt quá mạnh trong thời kỳ tô đậm lại vàng son, kỷ niệm. Cơn nhập đồng mệt mỏi, cơn trốt xoáy lắng chìm, trao trả lại cho tiếng sóng rì rào dịu dàng của nhạc tình Pháp một thời chinh phục những trái tim lãng mạn thanh xuân. Don Hồ tiêu biểu cho tiếng sóng dịu dàng lãng mạn ấy, khơi động lại những con tim nồng nàn mơ mộng. Don Hồ thành công ngay qua cassette ấy, nhanh chóng được yêu thích, trở thành một ca sĩ nổi tiếng, một thời là tiếng hát độc quyền của Thúy Nga.
Một ca sĩ tài danh, vị ấy không nhất thiết cần có những bài viết lăng-xê. Chính thính giả ái mộ thân ái tặng cho tiếng hát của họ những biệt danh. Như “tiếng hát vượt thời gian” dành cho Thái Thanh. “Tiếng hát liêu trai” dành cho Thanh Thúy, v.v… Nhưng một nhà báo nào đó lăng-xê “tiếng hát đậu trên tầng mây” thì quả là bơm bốc quá đáng.
Don Hồ đã tạo cho mình một khung trời riêng, một vị trí vững vàng. Thiết nghĩ không cần “quảng cáo” thêm. Giọng hát anh không thuộc loại “xé tan màn đêm” như Bằng Kiều, mà ấm áp nhẹ nhàng như lời thì thầm của gió sớm, như mát dịu mơn trớn của cơn mưa phùn, như vuốt ve của dòng suối quấn quít. Thổi tiếng hát lên cao thì như cánh buồm chơi vơi, như tiếng kèn trầm buồn ngân bay qua núi. Cho nên tôi thích nghe Don Hồ hát vào những buổi sáng dậy sớm yêu đời, tiếng hát lan lan lơ lửng trên những cánh hoa còn lâm râm sương đọng, rồi nhẹ nhàng tan theo vạt gió rừng im.
Trong căn nhà thanh vắng nơi góc rừng, đôi khi tôi rơi vào không gian ấm cúng của Quang Dũng. Đôi khi tôi rớt vào núi cao của Bằng Kiều. Đôi khi tôi chìm giữa đêm khuya với ngọt ngào Ngọc Hạ. Đôi khi theo Ngọc Anh thăm những Hà Nội của Phú Quang. Đôi khi dong ruỗi theo Trần Thu Hà để uống say hơi hướm thơm Jazz của Thu Hà rồi nhớ đến Blue Hùng Cường, Blue Duy Khánh và nhớ tiếng guitar Jazz Jimmy Long, người bạn đang giang hồ đâu đó Vieng Chan, Saigon.
Nhưng rồi khi tiếng chim kêu mở cửa chào sương sớm, tôi lại mời Don Hồ thả tiếng hát lãng đãng dạo trên những hồng lan cẩm chướng. Sáng nào như vậy, tôi thường nhớ người bút hiệu Hoàng Song Vân.
Quen nhau, anh Hoàng Song Vân cho tôi biết loáng thoáng anh chơi đàn măng-đô cùng thời Phạm Duy. Khi Don Hồ thành danh, có lần anh tâm sự: “Không ngờ thằng Dũng nhà tôi hát hay như thế”, nét mặt anh đầy niềm vui ấm áp. Cây đàn măng-đô không đẩy tuổi trẻ anh rơi vào khuôn nhạc, nhưng dòng máu nghệ sĩ trong anh đã có truyền thừa. Ngoài Dũng thành danh, cô em gái cũng vẽ họa tài tình. Anh khiêm tốn dành hạnh phúc ấy cho người vợ thương yêu của mình: “Chúng nên người đều nhờ mẹ chúng cả”. Phần anh, anh chọn riêng cho mình một không gian đầy sách vở.
Cảm ơn anh chị luôn thương thằng em nhỏ. Cảm ơn những đĩa nhạc Don Hồ cho tôi những sớm mai yêu đời. Cảm ơn những ca sĩ rung lên hồn nhạc. Cảm ơn “Bảy nốt trên khuôn nhạc” cho tôi một chút Paris chưa biết, và một đêm bước hoài theo bảy nốt.
Lê giang trần
Little Saigon, Chủ Nhật 12/10/08
(Gửi Hoàng Song Vân, Thanh Trúc, Don Hồ)