Bài và hình: Lâm Hoài Thạch/ Việt Herald
GARDEN GROVE, California (VH): Hội Ái Hữu Bạc Liêu (HAHBL) tại
California được chia ra 2 vùng: Tại Bắc Cali (San José) và Nam Calif.
(Little Saigon và những vùng phụ cận). Tổng cộng 2 vùng này có khoảng
3000 đồng hương Bạc Liêu. HAHBL được thành lập vào năm 1984. Hàng năm,
Hội có tổ chức 2 lần họp mặt: Một vào mùa xuân được gọi là Tân Xuân
Hội Ngộ, và một lần cho picnic còn gọi là Hè Picnic. Mục đích của nhị
kỳ hội ngộ hàng năm đều khác nhau. Tân Xuân Hội Ngộ thường được quy tụ
dành cho những người lớn tuổi gặp gỡ với nhau sau một năm xa vắng, có
cơ hội ngồi chung nhau hàn huyên tâm sự, chia sẻ buồn vui với nhau và
cùng vui vẻ đón chào một mùa xuân mới. Tổ chức Hè picnic, mục đích
chính là cho những người trẻ đã được sinh ra ở Hoa Kỳ biết được họ là
người thuộc nguồn cội dân Bạc Liêu, Việt Nam.
Picnic Hè Hội Ngộ 2011 tại Garden Grove Park, thành phố Westminster,
California. Trên 200 đồng hương Bạc Liêu và các vị thân hào nhân sĩ đã
đến tham dự ngày hội ngộ này, và dĩ nhiên là không thiếu đại diện các
cơ sở truyền thông và báo chí, để loan tin đến những đồng hương ở
nhiều nơi khác trên màn ảnh TV và trên những trang báo tại thủ đô
Little Saigon.
Ai về tôi gởi lời thăm
Bạc Liêu quê mẹ bao năm xa rồi
Đàn con lưu lạc khắp nơi
Kẻ còn người mất chuyện đời thế gian
Bốn câu thơ trên của nhà thơ Trịnh Quang Chiếu, người đồng hương Bạc
Liêu đã nói lên tấm lòng yêu thương quê hương xứ sở của người Bạc
Liêu. Tuy ra đi sống nơi xứ người nhưng tình người, tình đồng hương
Bạc Liêu lúc nào cũng còn thương nhớ và mặn nồng như ruộng muối Bạc
Liêu. Và trong ngày hè hội ngộ, đồng hương Bạc Liêu đã quây quần lại
với nhau, chung vui một ngày của Bạc Liêu để cùng ăn uống, hát hò, kể
chuyện buồn vui và họ không quên nhắc đến những kỷ niệm thân thương từ
phố thị cho đến những thôn làng có những ruộng đồng “có bay thẳng
cánh” tại quê nhà Bạc Liêu:
Ai về đất Vĩnh quê tôi
Gởi lời thăm hỏi khắp nơi xóm làng
Vĩnh Châu cảnh đẹp xuân sang
Cạnh dòng sông Cữu đôi hàng dừa xanh
Thuyền ai xuôi cửa Mỹ Thanh
Cho tôi nhắc gởi chúc lành viễn phương
Trà Nho mía ngọt như đường
Đâu bằng câu nói yêu thương anh hoài.
Anh Lâm Quang Hải, Hội trưởng Hội Ái Hữu Bạc Liêu còn rất trẻ và đã
đạt được những thành tích tốt cho những lần tổ chức họp mặt thường
niên của HAHBL. Anh Hải cho PV Việt Herald biết: “Cháu làm Hội trưởng
HAHBL nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ thứ 2. Về hoạt động xã hội thì HAHBL
rất là tích cực về tinh thần cũng như vật chất. Chẳng hạn như gia đình
của đồng hương Bạc Liêu có những tin vui hoặc tin buồn thì hội sẽ đến
giúp đỡ những nỗi khó khăn hoặc chia sẻ niềm vui cùng với những gia
đình đó. Đôi khi có những đồng hương Bạc Liêu mới đến Hoa Kỳ gặp những
trường hợp bị khó khăn thì Hội cũng đến để chia sẻ và giúp đỡ tùy theo
khả năng của hội. Một số đồng hương trong hội cũng đã âm thầm quyên
góp để cho những người nghèo tại quê nhà.”
Được biết, hàng năm vào những dịp hè hội ngộ, HAHBL có tổ chức những
Giải Khuyến Học cho những con em của đồng hương học giỏi, chương trình
này cũng nhằm để khuyến khích cho những mầm non của đồng hương Bạc
Liêu để thăng tiến trên bước đường học vấn, và chương trình Giải
Khuyến Học này Hội đã thực hiện từ năm 1984. Trong những năm về trước
Giải Khuyến Học được phát cho những em học sinh trong hạng điểm vào
cuối năm từ 3 chấm đến 4 chấm trở lên, nhưng kể từ 2 năm gần đây, theo
như anh Hải cho biết đôi khi mình làm như vậy thì có những cháu học
hơi yếu sẽ bị mặc cảm khi đến đây, thành thử ra Hội muốn mời tất cả
những con cháu của đồng hương Bạc Liêu đến đây và tất cả các cháu có
ghi danh thì được phát Giải Khuyến Học giống nhau. Nhưng đặc biệt
những cháu nào có những thành tích xuất sắc thì sẽ được Hội tuyên
dương trong những buổi tổ chức Picnic Hè hội ngộ. Mục đích là muốn
khuyến khích các cháu học còn kém nên cố gắng chăm học như các bạn học
giỏi của mình.
PV Việt Herald đã có dịp gặp gỡ Thầy Tấn Thanh Tòng, cựu hiệu trưởng
trường trung học công lập Bạc Liêu, và Thầy Tòng chia sẻ: “ Tôi dạy
học cho trường TH Công Lập Bạc Liêu từ năm 1960 cho đến năm 1975,
chuyên môn của tôi là dạy môn Toán và Lý Hóa. Bắt đầu năm 1971 thì tôi
được làm Hiệu trưởng của trường cho đến năm 1975. Vì lúc trước tôi là
một sĩ quan tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, đến khi tôi được mang
cấp bậc Trung Úy thì được biệt phái về trường THCL Bạc Liêu dạy học và
sau đó được làm Hiệu trưởng, cho nên sau 1975, tôi bị đi học tập cải
tạo. Đến năm 1995, tôi cùng gia đình được sang Mỹ theo chương trình
HO(27). Hiện nay tôi đang cư ngụ tại thành phố Garden Grove,
California.”
Trong thời chiến, tại tỉnh Bạc Liêu, những người chiến sĩ VNCH từ
nhiều nơi cũng như những người lính được sinh ra và lớn lên tại xứ này
đã từng phục vụ cho những đơn vị Quân đội VNCH tại Bạc Liệu, trong đó
có Dược sĩ Trần Sĩ Tuấn - cựu Sĩ quan Dược sĩ Quân Y. DS Tuấn cho
biết: “ Tôi tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn vào năm 1967, xong đi
trưng tập phục vụ trong Binh Chủng Quân Y phục vụ cho Tiểu đoàn 21
Quân Y từ năm 1988 đến năm 1972 tại Bạc Liêu. Sau đó tôi được biệt
phái về Cần Thơ làm Phó Trưởng Ty Y Tế. Sau năm 1975, tôi bị đi cải
tạo 2 năm rưỡi, rồi vì nhu cầu cần Y, Nha, Dược sĩ nên chúng tôi được
cho về và phục vụ cho dân chúng trong ngành Dược tại Bạc Liêu. Sau đó
tôi tìm đường vượt biên vì trường hợp của tôi đi tù cải tạo chỉ có 2
năm rưỡi thì cũng không đi được chương trình HO. Cuối năm 1979, gia
đình vượt biên sang Thái Lan. Tôi được sang Mỹ vào năm 1980 và tiếp
tục đi học để lấy bằng Dược sĩ Hoa Kỳ. Tôi đã tốt nghiệp bằng Dược sĩ
tại Hoa Kỳ và được đi làm nghề DS một thời gian. Hiện giờ thì tôi đã
hưu trí và gia đình tôi đang cư ngụ tai thành phố Midway City,
California.”
Bạc Liêu xưa nổi tiếng là đất ăn chơi của nhiều giai thoại về “Công Tử
Bạc Liêu” con của đại điền chủ Trần Trinh Trạch (Hội đồng Trạch), bởi
xứ này có tư duy khoáng đạt thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua
sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất
Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn
Lầu, người đã sáng tác ra bài Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ, mà còn có sức
hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam kỳ Lục Tỉnh vào những
năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 buộc họ phải đến đây xả túi xây cất
dinh thự. Bởi thế, nhiều người khi đến thị xã Bạc Liêu ngày nay đã
không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận
cùng của đất nước lại có những khu nhà Tây sang trọng.
Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1900 theo Nghị định
ngày 20 tháng 12, 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt
tham biện thành tỉnh, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quảng Xuyên, Quảng Long,
Quảng An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng Long Thới. Trước kia Bạc Liêu tách từ
tỉnh Hà Tiên ra. Vị trí của tỉnh Bạc Liêu bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện
nay.
Năm 1904: Bạc Liêu gồm có 3 quận: Vĩnh Lợi, Cà Mau và Vĩnh Châu. Năm
1914: lập thêm quận Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long được nhập từ
tỉnh Rạch Giá, còn quận Cà Mau được tách ra thành một tỉnh riêng. Ngày
22 tháng 10, 1956, chính quyền VNCH đã nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc
Trăng thành tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu thành lập với sắc lệnh 245-NV
ngày 8 / 9/ 1964, gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh
Châu, với 5 tổng, 17 xã. Dân số năm 1965 là 76.630 người.
Năm 1976, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau) hợp nhất thành tỉnh
Minh Hải. Ngày 6/11/1996, tỉnh Minh Hải được chia thành ra 2 tỉnh: Bạc
Liêu và Cà Mau. 2 tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày
1/1/1997. Tỉnh Bạc Liêu được phân thành 1 thị xã và 6 huyện: Đông Hải,
Giá Rai, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi. (LHT)
Send comment