Bạc Liêu Còn Chăng Một Hồn Phố Cũ

20/07/201112:00 SA(Xem: 27377)


baclieu-_vn-ty__107___desktop_resolution_-large-content

 

Với những người dân Bạc Liêu tha hương, bao giờ hoài vọng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình họ cũng nghĩ ngay đến những dãy phố xưa rêu phong, với một nhịp sống êm ả, trầm mặc. Còn khách thập phương khi đến Bạc Liêu – một địa danh đã gắn với danh xưng công tử Bạc Liêu – nếu không có những tòa nhà Tây uy nghiêm của những ông “Hội”, ông “Huyện” một thuở, liệu họ có chịu trở lại lần thứ hai?


Quần thể kiến trúc nhà Tây xưa ở Bạc Liêu có điểm độc đáo là nó mang một phong cách, một sắc thái riêng biệt, không Âu hóa như Đà Lạt, không tráng lệ như Saigòn, Hà Nội, quần thể nhà Tây ở Bạc Liêu nhìn bao quát thì rất Tây, rất cách tân, thế nhưng nó hòa hợp đến lạ kỳ với dòng sông nước lớn, nước ròng đỏ ngầu phù sa đậm chất miền Nam. Chẳng vậy mà ngay từ năm 1882, vị quan chủ tỉnh Lamothe de Carrier đã tiên đoán: “... hiện tại Bạc Liêu chưa ra gì nhưng tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam Kỳ sau Saigòn...”. Và chính quyền của ông ta hồi đó đã tiêu tốn ngay 40 ngàn đồng để xây cất dinh thư, công sở. Đó là chưa kể đến đại địa chủ Trần Trinh Trạch, Huyện Sổn... vào đầu thế kỷ nầy đã chi bao nhiêu thiên, bao nhiêu lẫm lúa đẫm mồ hôi của tá điền cho những dinh thự riêng. Quần thể nầy đã là một vốn quý thuộc hệ sinh thái nhân văn mà nhiều nơi khác khi xây dựng một chương trình Du lịch sinh thái – Eco Tourismm không thể nào có được.


Thế nhưng, quần thể nầy đã và đang bị xâm hại trầm trọng! Sừng sững trước mặt tiền hai ngôi nhàxưa bề thế nhất của Huyện Sổn và công tử Bạc Liêu hiện thuộc quyền quản lý của Bảo Tàng Bạc Liêu và Trung Tâm Thể Dục Thể Thao (?) là một cửa hàng bán vật liệu xây dựng với nào lu, gạch, cát, đá...hết sức nhếch nhác. Những cánh cửa sắt đồ sộ bằng thép đúc vẫn còn logo riêng chứng tỏ sản xuất tại Pháp cách đây non trăm năm đang hoen rỉ vì sự lãng quên. Những phòng tập tạï, tập bóng bàn đã làm cho nội thất những ngôi nhà nầy thêm hư hại nghiêm trọng. Những cánh cửa bằng gỗ Lim, những phù điêu quanh gờ tường ngày xưa nay cũng không còn nữa.


baclieu-_vn-ty__105___desktop_resolution_-large-content


Những ngôi biệt thự kiểu Tây được xây dựng bởi kiến Trúc Sư Việt Nam từng được Pháp đào tạo tại trường Mỹ Thuật Hà Nội cũng cùng chịu chung số phận! Các cơ quan được giao tiếp quản những ngôi nhà nầy làm trụ sở đã tranh thủ những khoảng không gian còn trống, chắp vá thêm phòng ốc để làm việc. Một khoảng trống làm sân thượng của biệt thự luật sư Lý Bình Huê – nay là trụ sở báo Đảng địa phương – đã mất đi, thay vào đó một khối hình vuông vức không còn tính thẩm mỹ! Trước đó, ngôi nhà mang nét kiến trúc chân phương nầy đã bị án ngữ bởi một dãy phòng làm việc thô kệch khác vừa được xây thêm của Cục Thống Kê tỉnh. Những kiểu xây cất vô tội vạ không xem xét đến tính thẩm mỹ của một quần thể như vậy đang diễn ra ở Bạc Liêu.


Đau lòng nhất là ngôi nhà Biện Lý Tòa Án cũ ở góc đường H.H.T. nay đã bị san thành bình địa. Một số quan chức địa phương lý giải do không có tiền trùng tu (!). Ngôi nhà nầy tuy có phần hư hỏng, đổ nát, thế nhưng rêu phong của năm tháng bám đầy quanh đó, những rễ cây đa kết đầy quanh bốn gờ tường đã làm say lòng biết bao tay nhiếp ảnh. Nó trở nên một hồn phố không dễ gì có được, và tại sao cứ phải cứng nhắc khi cho rằng phải đủ tiền mới trùng tu đến mức ở được mà lẽ ra ngôi nhà nầy chỉ cần nâng mái, dọn cỏ đã trở thành một cảnh xưa rất cần cho du khách.


Một nhà sử học cho rằng, những di tích mang giá trị vật chất như kiến trúc, đình chùa...là tối cần thiết cho việc nghiên cứu lich sử của một vùng đất nào đó. Việc quy họach đô thị lẽ ra phải có tầm nhìn ít nhất ba bốn chục năm sau. Sau nầy, khi cần phục hưng những nét xưa như vậy của Bạc Liêu có còn kịp và có còn được hay không? 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn