BÊN KIA ĐỒI CAO.

19/07/201112:00 SA(Xem: 16376)

 

Xuân Lộc 1980.


“ Chị ơi!... nồi cơm, nồi cơm...”


Tiếng kêu thất thanh trong gió của người bạn đồng tu làm dì Quyên vội vã quay lại. Cơn giông lớn báo hiệu bằng những cơn lốc lớn, hết những đám xoáy này đến những đám xoáy khác của gió cuốn những đám bụi đỏ lưng chừng đồi, thổi thốc một màu nâu đỏ xuống thung lũng phía dưới rồi tan loãng vào những lùm cây lớn, trước khi đám bụi đỏ mù kịp cuốn vào rừng cao su mịt mùng. Sau đỉnh đồi, sét quăng những tia sáng ngoằn ngèo giữa bầu trời xám xịt đồng thời đẩy những tiếng nổ vang động trời đất xuống phía dưới. Vài hạt mưa nặng đã bắt đầu lộp độp. Cùng lúc đó, gần đỉnh đồi, dưới một rặng cây thưa, hai người đàn bà đang dùng cả bốn tay để níu chặt bốn chiếc cột của một túp lều sơ sài phủ bằng ba tấm tôn cũ, chiếc lều oằn mình, ngả người theo từng cơn gió giật. Gió càng lúc càng mạnh, lồng lộng thổi tứ bề, gió chừng như muốn thổi cả hai người đàn bà cùng chiếc lều vào một khoảng không, vì nhắm chừng cả hai người đàn bà cũng không có được bao nhiêu trọng lượng để giữ lại chính mình. Trơ trẽn trên ba chiếc cọc gỗ cắm dã chiến dưới đất thay bếp ở phía ngoài lều, bụi đỏ đang phủ kín một nồi cơm chín đã bị bay mất nắp.


“ Chịu thôi, kệ nó, em chỉ lo cho mấy thùng ong, không biết dưới đó chị ấy cất kịp không?...”


Bao nhiêu lượng nước thừa của trời được trút xuống ầm ầm đầy núi đồi Xuân Lộc, khởi đầu nước từ trên đồi chảy xuống thành khe nhỏ, rồi thành lạch, sau phá vỡ cả những gò đất lớn và tràn về phía dưới đồi. Nước nhiều quá, hòa cùng đất đỏ như một cơn hồng thủy tràn xuống.


“ Chúa ơi! lũ đang cuốn chị ấy ở dưới kia kìa... Dì Thông ơi, em xuống dưới đó.”


Người nữ tu tên Quyên thảng thốt la lên khi thấy qua làn mưa bạc, dưới chân đồi, nơi những bụi cây cao một bóng người đang bám chặt một ngọn cây. Buông tay khỏi hai chiếc cọc, dì Quyên chụp quận dây thừng để bên ngoài lều, chân không bương xuống đồi, người đàn bà còn lại vẫn cố kềm giữ chiếc lều càng lúc càng xiêu vẹo, nhắm mắt đọc kinh.


Dù bị té bổ ngang, bổ dọc vài lần bởi mặt đất trơn trợt, không đầy năm phút dì Quyên đã đến được một điểm cao gần chỗ người nữ tu đang lâm nạn.


“ Chị ơi, ráng ôm cứng nghen, em qua cứu chị liền...”


“ Chúa ơi, con sợ quá, nước mạnh lắm, lội không nổi đâu...”


Cả hai phải gào lớn, tiếng mưa, tiếng gió át hẳn tiếng người. Cột được đầu dây thừng vào một gốc cây chắc trên gò đất cao, dì Quyên tự quấn một vòng qua vai, cột chặt, nhào ngay xuống giòng nước đang chảy xiết giữa gò đất cao và bụi cây.


Khi cả hai rét run dắt díu nhau lên được chiếc lều sắp đổ, trời cũng đã tạnh mưa, cơn giông đến rất nhanh và đi cũng rất vội. Ánh nắng chiều lại le lói sau ngọn đồi cao. Chiếc lều đã đứng vững trong cơn giông. Cơm chiều của các dì đã được nước mưa rửa sạch bụi đất đỏ và đang nở trương trong chiếc nồi đầy nước. Cả ba đều quỳ giữa trời lâm râm đọc kinh cảm tạ ơn Chúa.


“ Các dì ơi, con vừa cột xong thùng ong cuối cùng trên trảng ba thì không biết nước ở đâu nó tràn dến ngang con tức thời, con chạy không kịp, lội cũng không xong, nó kéo con đi cả đỗi...”


Ba nữ tu vừa nói chuyện vừa cố gầy lại ngọn lửa với những cành củi ướt, khói bay mù mịt. Nền kinh tế đang ở vào khúc quanh bi đát nhất, nơi nào cũng bị đói kém, dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum tại Bến Tre cũng ở trong quỹ đạo bi đát đó. Ba trăm nữ tu đã tan vào cơn lốc lầm than, có những người không vững lòng tin đã quay trở lại thế gian, hơn nửa còn lại với chút sức khỏe đã phải chia nhau đi mọi ngã, kiếm chút lợi tức để gởi về dòng giúp đỡ các dì phước già đã quá lớn tuổi, đồng thời cố gắng bảo tồn cho được dòng tu với truyền thống hơn hai trăm năm phụng sự Thiên Chúa cùng tha nhân.


“ Nồi canh đã đổ mất rồi, em lấy miếng ổ ong khô ăn đỡ nghe?“


“ Thôi dì, còn miếng cơm trong nồi, ráng ăn đỡ với muối hột, hồi sáng con đã đâm tô muối ớt... Con tính có chuyến xe về quê, con gởi hết mật với đám sáp về cho các dì nấu cháo.“


Người nữ tu lên từ cuối chân đồi, trông chừng trẻ hơn một chút so với hai dì tên Quyên và Thông nhưng lúc nào cũng xưng hô dì và con với hai người bạn, vẫn còn run rẩy trong bộ quần áo ướt, đôi mắt thâm quầng với bộ mặt hốc hác vừa nói vừa nhìn nồi cơm và nhìn hai bạn, cũng hai khuôn mặt hốc hác trên đôi vai gầy. Sự cùng cực của thiếu dinh dưỡng và lao động quá độ đã biến ba nữ tu thành những người đàn bà lam lũ, nhưng ngược lại, ánh mắt không thiếu sự kiên trì.


“ Hay thôi, mình bỏ mấy miếng sáp vào nồi cơm, nấu lại cho thành cháo, được không các chị?“


Dì Thông nhỏ nhẹ trả lời:


“ Cũng được, em ăn sao cũng được, nhưng hiện giờ mình cần bồi bổ chút đỉnh vì tối nay mình phải ngủ ngồi, mùng mền cái gì cũng bị ướt hết trơn.”


“ Tội nghiệp, không biết hiện giờ các dì ở Cái Nhum ra sao...”


Dì Quyên đang quay lưng, vừa cố quạt cho củi mau khô, mau bén lửa vì cả ba thấm ướt run cầm cập, vừa nói chuyện với hai bạn đồng tu.


“ ... không biết dì Hai Daivit có mua được lúa về không? Em nhớ mấy năm trước dì Hai gặp cơn mưa lớn như mình mới bị, khi đang chở khẳm ghe lúa về Cái Nhum, sóng lớn muốn nhận chìm ghe, nghĩ thấy tội.“


“ Sao chị không nhớ tiếp, dì Hai sợ quá, chùm chiếu nằm trên ghe rồi te huyền luôn trong quần. Hí...hí...hí...”


Trong khi hai dì tiếp tục nói chuyện, người nữ tu trẻ lẳng lặng dọn dẹp lại chiếc lều tan hoang vì gió bão. Gia tài của ba người đơn độc ba tấm tôn còn khá tốt, vài miếng vải nhựa để bọc chung quanh mỗi khi dựng lều, mùng mền cùng vài thứ cần thiết tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày, vài bộ quần áo, thị trường không còn vải, tất cả phải biến những chiếc áo dòng đen thành những bộ bà ba để làm việc. Gia tài chính mang theo là những thùng nuôi ong lấy mật. Hơn ba năm trước, khi thực phẩm của dòng cạn kiệt dần, cha Sánh ở Vĩnh Long cho một ít thùng ong mật, giống của Ý, chỉ dạy cách nuôi, từ đó ba chị em đã rời nhà dòng, lang thang từ Vĩnh Long lấy mật chôm chôm, nhãn, qua U Minh, Đồng Tháp lấy mật tràm, lên Bảo Lộc mật trà, cà phê, xuống Xuân Lộc lấy mật cao su. Tuy mỗi năm có thể về thăm dòng một lần, nhưng hơn ba năm nay, phương tiện di chuyển vô cùng hạn hẹp nên cả ba cũng chưa về thăm được nhà dòng, đổi lại, ba chị em đã gầy dựng được một gia tài tương đối khá, hơn hai trăm thùng nuôi ong mật. Nơi nào nghe sắp có mùa hoa nở, cả ba lại lếch thếch tìm phương tiện di chuyển hết những ổ ong đến đó, xin phép những người địa phương cho đặt ổ, rồi dựng lều cùng sống với nhau giữa trời. Nhờ ơn trên, những người dân địa phương thấy toàn dì phước nên luôn sẵn lòng giúp đỡ, cũng nhờ ơn trên, không ai bị bất cứ cơn bệnh nào, trừ một vài tai nạn giữa rừng hoang. Kinh nghiệm được chồng chất mỗi ngày, việc nuôi ong lại càng tăng tiến, ba chị em ráo riết phát triển việc lấy sữa ong chúa mỗi khi ngoài thiên nhiên có ngàn ngàn loại hoa đua nở. Công việc này cho khá nhiều lợi nhuận, hơn cả lấy mật.


Bữa cháo tuy không ngon vì hột cơm đã nở vữa, mất hết chất nhựa, nhưng những tô cháo nóng cũng làm cả ba tỉnh hẳn người trong khi cái lạnh của đêm đang dần đến. Tuy chỉ có ba người, buổi cầu nguyện tối vẫn không thiếu những bài thánh ca.


“ Này chị, em với chị Quyên để ý thấy chị ở nơi nào cũng quay về đúng một hướng để cầu nguyện, sao vậy chị?“


“ Tại con nhớ nhà.“


“ Cầu nguyện mà lại nhớ nhà?“


“ Dạ không, con hướng về nhà trước khi đọc kinh.”


“ Mình đi tu từ nhỏ, có nhà đâu để nhớ.”


“ Dạ, dòng là nhà của con, con nhớ nhà dòng, con nhớ các dì, con hướng về đó để cầu nguyện cho mọi người.”


“ ...? Làm sao chị biết hướng nào là nhà của mình?”


“ Con dựa theo mặt trời, hiện giờ quê mình ở hướng đông nam, nó ở phía bên kia ngọn đồi... lên đỉnh đồi, nếu mắt con tốt, chắc con thấy được nó...”


Một thoáng buồn trên nét mặt mọi người, quê nhà rất xa, rất xa, Xuân Lộc và Cái Nhum không thể bói bằng một tầm nhìn. Đã hơn ba năm rồi, lang thang qua nhiều địa danh, ăn uống đạm bạc với những gì kiếm được chung quanh, cả ba đã gởi được khá nhiều tiền cùng phẩm vật về quê nhà với lợi tức từ những thùng ong giống. Tuy chưa bao giờ nói, nhưng cả ba đều rất nhớ nhà, nhớ hình ảnh của dì Sáu Đại Hiệp, người lúc nào cũng mềm mỏng, chưa bao giờ biết cầm cái dầm để chèo ghe, nay phải túm quần xuống ruộng cấy lúa, khóc hu hu khi bị đỉa bám, nhớ hình ảnh xanh xám của dì Hai Daivit khi ghe chở lúa gần khẳm, cũng dì Daivit trên ghe ở bến sông, nổi giận, đạp thẳng bao phèn xuống sông khi bị đánh thuế vô lý, nhớ tháng tư những cánh hạ mai vàng phất phơ trong gió, nhớ con chim vịt kêu te, te, nhớ mương, nhớ sông, nhớ rạch, nhớ cả tiếng ồn ào của cặp chim bói cá ngoài bờ ao, nhớ những nụ cười vô tư của mọi người khi chào hỏi nhau.


“ Mình đi cũng hơn ba năm rồi hén. Nhớ lúc đầu nuôi ong ở Vĩnh Long thiệt khổ, bị nó oánh mà không dám khóc, hồi đó chỉ sợ cha Sánh quở không biết làm ăn.”


“ Phải rồi chị Quyên, chị còn nhớ hồi đó mình không biết, mình đóng thùng, cài nắp, chuyển ong đi giữa ban ngày, kẹt phà ở Bắc Mỹ Thuận, nóng làm chảy sáp, ong chết hơn nửa, chị còn nhớ không?”


“ Bởi, thành ra các chị thấy bây giờ mình hoàn toàn di chuyển đêm đó không, hồi đó vừa sợ, vừa buồn, nhìn lại ba chị em, người nào, người nấy tay sưng vù, mặt mày lúc nào cũng bị chích.... mà cũng hay thiệt, trời sinh voi, sinh cỏ, riết rồi cũng quen...”


Người nữ tu trẻ có giọng nói nhẹ như hơi thở tiếp:


“ Con nhớ hồi đó, không biết lấy đâu ra cục xà bông thơm, con tắm xong, mới đi ngang, cả bày nó đánh con muốn chết. Sau này con để ý thấy những thanh niên đi làm rừng, sức dầu thơm đi ngang, tụi ong nó cũng đánh liền.”


“ Mai hai chị đặt lại mấy thùng ong ở chỗ nào cho cao, mình khỏi phải chạy khi giông tới. Em đem đồ xuống dưới giặt, gánh nước rồi nấu sáp, mình phải làm nến cho kịp gởi về trước lễ phục sinh...”


“ Dì Quyên nhớ bỏ hóa chất gì đó cho nến khỏi bị xỉu...kỳ trước dì Hai có thơ ra, nến mới đốt vừa hấp nóng đã bị nghẻo.”


“ Chuyến này không lo, đã chuẩn bị hết rồi, có mấy ổ quá già, đen thui, nhân tiện mai nấu, em nấu luôn.”


“ Chị Quyên, nếu chị nấu ổ già, chị bỏ chất đen, lấy sáp làm cho em xin mấy cái cầu mới, em cần khoảng năm cái cầu mới để tách bầy cho năm ổ ở dưới. Coi bộ mấy con chúa mẹ đang muốn tách bầy.”


Người nữ tu trẻ khẽ gật đầu theo, quả vậy, có năm ổ, những con ong chúa đang từ từ nhỏ người lại để có thể bay ra ngoài, tách bầy, vì ong chúa con đang lớn rộ, bởi vậy, cần phải có ổ mới, phải có cầu giống như một ổ ong lúc khởi đầu để từ đó ong thợ tiếp tục phát triển ổ.


“ Hai dì, mình có hơn cả trăm ký mật, chắc phải lo gởi về, con còn lấy được hơn sáu ký sữa ong chúa, mình phải gởi về luôn cho các dì bồi bổ.”


“ Nhiều vậy hả, nhưng chắc gì các dì chịu dùng, thế nào các dì cũng đổi thành đường cho cả dòng dùng, nghe đâu hiện giờ một ký sữa ong chúa đổi được hơn trăm ký đường phải không?”


“ Dạ không, một trăm ký.”


Dì Quyên chợt nghĩ đến sự kiên nhẫn của người nữ tu trẻ hơn mình một vài tuổi, lúc nào cũng lặng lẽ làm việc, lúc nào cũng dành những công việc nặng nhọc, tỉ mỉ bỏ một ấu trùng mới nở vào một ngăn sáp giả khi mùa hoa nở rộ, ong thợ tưởng ong chúa mới nở, đem châm đầy sữa dinh dưỡng biến thể từ những nhụy, phấn hoa do chúng làm thành từ hoa vào những ngăn nhỏ chung quanh ấu trùng, người tu nữ này lặng lẽ dùng chiếc muỗng lớn hơn ba chiếc móc tai, múc từng muỗng ra keo, công việc kéo dài suốt ngày cho đến ba, bốn ngày liên tục, khi ong thợ biết ấu trùng không phải ong chúa sẽ thôi đem sữa lại, hơn trăm ổ ong chúa giả, lấy xong cái cuối cùng, cái đầu tiên lại đầy sữa, cứ vậy, làm suốt ngày dưới ánh nắng khô của Xuân Lộc. Luôn tay hết việc này đến việc khác, từ việc mỗi lần đem ổ ong ra quay lấy mật để bị ong chích cho một chập, đến việc gạt phấn hoa, đàn ong tha dưới hai chân sau những đốm vàng đầy phấn hoa về tổ, các dì đã đặt một cửa hẹp hơn bình thường để ong phải nghiêng, lách, dùng sức chân đẩy toàn thân vào, phấn hoa bị gạt lại ngay cửa hầu như toàn bộ, lớp lớp trông như bột đậu xanh, phấn hoa cũng thành một số tiền lớn. Nơi nào có nhiều hoa trinh nữ, lấy phấn hoa muốn không kịp.


“ Chắc trưa mai, con đãi hai dì ăn ba món.”


“ Chúa ơi, làm gì sang dữ vậy?”


“ Không biết nắng gió ra sao, chuyến này con thấy ong đực con nhiều hơn bình thường, gần hai phần mười ổ.”


“ Chúa ơi, phải lấy ra ngay, nếu không nó ăn hết thức ăn...”


“ Bởi vậy, con đãi các dì ba món, món ong đực con xào, món ong chiên quấn bánh tráng, món gạch cua nấu canh.”


Ong đực con sau khi bỏ vô vải mùng bóp, vắt lấy nước, nấu cũng y hệt gạch cua. Món này khá khoái khẩu của ba người nữ tu trên đồi cao.


“ Coi chừng ong vò vẽ đẻ trong ổ ong của mình nghen các chị.”


“ Con sẽ coi kỹ ngày mai.”


Cả ba cùng nhớ lại, khoảng thời gian này năm trước, sau khi ăn xong món ong xào, dì Thông té trào bọt mép, phải đem lên giường đốt ổ ong xông ở dưới mất hai ngày mới khỏi. Sau mới biết, vò vẽ đẻ trứng trong ổ ong, vô tình không biết ăn phải ấu trùng vò vẽ nên bị trúng độc. Khi dì Thông bị giữa rừng hoang, xa hẳn xóm làng, hai người còn lại quýnh quáng không biết xoay sở ra sao, chỉ biết đốt ổ ong xông khói và cầu nguyện. Nhớ lại, còn thấy hãi hùng, hãi hùng cũng giống như ngày dì Quyên bị bọ cạp cắn cứng người, chỉ biết ngậm chanh trong miệng hai ngày đêm theo như những người trong xóm chỉ.


“ Các chị, em nghe các chú làm rừng nói trên Bảo Lộc hiện giờ hoa trà, hoa cà phê nở nhiều lắm, các chị nghĩ sao?”


“ Hiện giờ ong đang cho rất nhiều mật.”


“ Kẹt cái lượng đường từ lá cao su quá cao, những người không biết lại tưởng mật có pha đường.”


“ Đúng vậy, những người mua bán quen với mình, họ nhìn là biết liền mật thật, họ cũng biết dì phước không làm việc bậy, nhưng những người tiêu thụ, họ thấy đóng đường, kết tinh ở dưới đáy, họ tưởng pha đường...”


“ Hay mình về lại Vĩnh Long để hứng lấy mùa hoa nhãn, chôm chôm, khách thích mật hai loại này hơn, nó thơm mùi nhãn, thơm mùi chôm chôm, lại nữa... con nhớ nhà...”


“ Mình tính lại chuyện này vào ngày mai, các chị nghĩ sao?”


Dì Quyên cướp lời, gạt bỏ ngay chủ đề này, dì sợ bị mềm lòng vì chính dì cũng từng thổn thức muốn về thăm lại dòng.


“ Vậy đi, ngày mai mình kiểm soát hết lại các thùng ong rồi tối mai cùng quyết định.”


Hơi nóng của đám củi lớn từ đêm qua cũng giúp các nữ tu qua được một đêm khá ấm áp. Từ sáng sớm đến giờ, dì Quyên đã làm được khá nhiều công việc. Ánh mặt trời chếch ngang đầu cho dì biết tương đối chính xác theo thói quen, đã hơn mười một giờ sáng, dì đã tắm, giặt xong áo quần của cả ba người cạnh cái giếng dưới xóm, hiện giờ, dì đang thong thả quẩy đôi gánh không từ trên đồi đi xuống, chính sự thong thả đi xuống làm dì bắt ớn lạnh khi nghĩ đến đôi gánh nước đầy trở ngược lên. Những cơn gió thường lệ của mỗi ngày đã bắt đầu làm khô mặt đất, từ đồi này nhìn sang đồi kia, chỉ thấy mờ bụi đỏ, mặt nước đọng trong những hố sâu trên đồi cũng bị giao động bởi gió, hiếm củi, các dì đã đào rễ những cây khô chết để làm củi, tạo thành những hố sâu rải rác, nước mưa đêm trước vẫn đọng đầy. Ngang qua vài lùm cây, với đôi mắt nhà nghề của người nuôi ong, dì Quyên nhận ra vài xác ong thợ chết ở dưới đất, mỗi lần nhìn thấy vậy, dì Quyên phải gạt bỏ ra ngoài ý nghĩ luôn vẩn vương trong đầu để mỗi khi cầu nguyện, dì cho là sai trái. Có một lúc nào đó ở tận cùng của sự khổ ải, dì nghĩ, ba người như những con ong thợ, vo ve di chuyển cả ngày tìm thực phẩm đem về dòng, không một ý niệm về sự sống, sự chết, không một thú vui, rồi chu kỳ ba mươi đến bốn mươi ngày của những con ong thợ sẽ lại thoát kiếp, xác thân tan biến vào thiên nhiên, nhường chỗ cho thế hệ mới, thế hệ của những nữ tu trẻ với đức Vâng Lời sẽ tiếp tục ba, bốn mươi năm.


Khi xuống đến chân đồi, gặp dì Thông đang loay hoay lấy phấn từ một thùng ong, dì Quyên chợt nhớ:


“ Sao chị làm có một mình? Hôm qua em nhìn thấy có ổ ong rừng trên chừng đồi, ở mé trái, chắc sau gánh nước này, em phải lên hun khói nó, chứ không nó oánh ong mình rồi chiếm ổ...”


“ Chị ấy cũng biết, chị ấy lên cả nửa tiếng rồi, chắc lên hun khói.”


Hai người nhìn lên lưng đồi, mé trái, sau vài lùm cây lớn chỉ thấy một thoáng khói mong manh bốc lên.


Kĩu kịt với đôi gánh nước trên vai, mồ hôi từ thái dương đổ xuống, gặp gió làm mát lạnh, dì Quyên bấm chặt hai bàn chân không trên mặt đất đỏ để giữ thăng bằng cho nước khỏi sóng dù đã phủ lá chuối trên mặt nước, lên hơn nửa chừng đồi đã thấy thở muốn chết. Gió vẫn thổi mạnh, nheo mắt nhìn lên đồi cao qua làn bụi đỏ, sau đỉnh đồi với khung trời xanh lồng lộng, dì Quyên thấy người bạn nữ tu đang quỳ quay lưng, hướng về bên kia đỉnh đồi để cầu nguyện, dì Quyên đành chắc lưỡi, tiếp tục gánh nước lên.


“ Chúa trời ơi, hu...hu...sao khổ thế này hu...hu...Chúa ơi, hu...hu...”


“ Chúa ơi, tội em ngập đầu... tội em ngập đầu... đúng ra em phải lo ổ ong rừng ngay từ sáng...hu...hu...em biết mà em không chịu làm liền...hu...hu...chắc cơn giông tối qua làm bể ổ ong rừng, nó muốn chiếm ổ của mình nên chị ấy đuổi...”


“ Sao chị ấy không hun khói...hồi nãy em thấy có khói.”


“ Ổ rừng này lớn quá, em nghĩ chị ấy vừa sáp lại nó đã oánh chị ấy tới tấp, chắc chị phải chạy, nhảy ngay trong hố nước đằng kia...chị coi kìa, vết nước còn kéo dài cho tới đây...”


“ Sao chị ấy lại lết đến đây?”


“ Hu...hu...hu...lúc nào trái tim chị ấy cũng hướng về quê...hu...hu...”


Mặt trời đã đứng bóng giữa đỉnh đồi, người nữ tu trẻ quỳ chết trong tư thế chắp tay cầu nguyện, mặt hướng về Cái Nhum, bộ quần áo ướt vẫn còn dính đầy sình đỏ, từ mặt cho đến cổ cũng giống như đôi bàn tay đều sưng phồng, chi chít những đuôi ong còn để lại, vài vấy bùn đỏ còn dính trên mặt nhưng vẫn không che được dấu bụi đỏ đưa đi bởi gió, bám trên đôi gò má khi hai dòng lệ chảy xuống. Người nữ tu bình thản chết, lòng vẫn hướng về một quê nhà rất xa, nhà dòng Cái Nhum còn xa lắm. Trời vẫn xanh, gió trưa chỉ còn hững hờ thổi nhẹ trên đồi cao.


Nguyễn Dũng Tiến 30 tháng tư, 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn