Câu chuyện Nam Bắc (người viết Nguyễn Hữu Huấn )

11/07/201112:00 SA(Xem: 19666)

Văn hóa Việt : 

 Văn Hóa Nông Nghiệp

 I- Sự tích trồng Lúa

Câu chuyện Lo Yueh/Lạc-Việt (tài liệu của Tiến sĩ Nguyễn Lê Hiếu)

Hơn chục ngàn năm trước, khi nhân-loại còn trú chân trong các hang hay lê-la trên các vùng đồng-bằng thì lương-thực thường là những con vật chính mình săn được hay là kéo nhau theo sau những thú-vật cũng đi săn và ăn phần thừa do thú-vật đó bỏ lại. Những món ăn đó thất-thường, tùy hoàn-cảnh từng ngày. Thêm vào đó, họ vươn tay hái những trái thấy ở trên cành, hay là cúi xuống nhặt những quả đã rụng trên mặt cỏ, hoặc quỳ xuống hì-hục đào-bới đất tìm-kiếm những rễ ăn được. Thức ăn hoa-quả-cây-rễ có thể có dễ hơn, ít nguy-hiểm hơn là đi săn nhưng vẫn còn thất-thường. Tới một giai-đoạn nào đó, con người trong buổi phôi-thai của văn-minh, đã nhận ra ba chân-lý: thứ nhất, lý nhân-quả, đặc-biệt là hạt giống có thể sinh ra những cây-cối; thứ hai: lý chuyên-nhất; không những giống cho ra cây mà đặc-biệt hơn nữa, mỗi loại giống luôn luôn cho ra một loại cây và chỉ chuyên-nhất một loại đó mà thôi; và thứ ba, con người có khả-năng và ưa-thích lựa-chọn.

Nắm trong tay ba nguyên-lý đó, nhân-loại đã quyết-định chỉ lưạ-chọn trồng một số hạt-giống mà họ biết sẽ cho ra những cây-cối họ ưa-chuộng; nông-nghiệp đã bắt-đầu. Các cuộc khảo-cổ cho thấy bắp xuất hiện trước tiên ở Trung-mỹ; mì và mạch ở Tây-á, sau tràn sang Trung-á và Tàu; năng ở Nam-mỹ. Riêng ở Đông-nam-á, điều-kiện khí-hậu, độ nóng và độ ẩm (độ mưa) đã giúp cho người trong khu-vực đó trồng được lúa gạo. Các loại ngũ-cốc tràn sang lục-địa Á-châu và nơi Trung-quốc ngày nay, mì ở phía bắc và lúa gạo ở phía nam. Không phải ngẫu-nhiên mà sau này, sách-sử Trung-quốc ghi tên dân ta là Lo Yuehngười Việt trồng lúa; theo cú-pháp tiếng Tàu, lúa-Việt—các học-giả Mỹ từ xưa tới nay, thường bắt-chước mà ghi dân cổ ta là Lo Yueh. Các cụ ngày xưa giữ âm Nho-Việt, phát âm thành Lạc-Việt; rồi mới ghi là có Lạc-hầu, Lạc-tướng, Lạc-điền. Vậy thì Lo Yueh là ký-hiệu người phương-tây phiên-âm của người Tàu, Lạc-Việt là ký-hiệu do cách phát-âm của ta; nhưng cách dịch nghĩa sát nhất phải là dân-Việt-trồng-lúa (rice-growing Viet people). (1)

Cũng theo khoa khảo cổ, thì ở Đông Nam Á cách đây năm nghìn năm, vùng đồng bằng sông Hồng Bắc Việt khí hậu gió mùa, mùa mưa khí ẩm khiến dân Lạc Việt khai thác nước trồng lúa.

 ( Lạc Việt có nghĩa là người Việt giồng lúa).. Lúc đầu dân Lạc Việt chưa có nông cụ, nhưng sau nhờ người Tầu mang đồ cầy cấy bằng sắt vào giúp cho nông nghiệp phát triển ( Nhâm Diên dạy dân dùng nông cụ bằng sắt)..Đất sông Hồng thì mầu mỡ mỏng, cầy nông , phải lo dẫn thủy nhập điền. Còn sau này khi quốc gia mở rộng biên giới, thì đất miền nam rộng, lụt lớn, phù sa nhiều, cày sâu, cần khai mương thoát nước.

  II- Nghề trồng Lúa

 Nghê thuật làm ruộng ( tài liệu của Giáo sư Dương văn Phối)

Làm ruộng là nghề trồng lúa, lúa xay ra gạo, gạo nấu cơm chúng ta ăn hàng ngày…Hai từ làm ruộng còn cho ta biết nghề làm ruộng của một người. Như người này nghề nghiệp là làm ruộng, người nọ nghề nghiệp là thợ mộc, người kia nghề nghiệp là thợ máy.

 Có 2 cách làm ruộng

 1- làm lúa cấy (NÔNG CỤ---------------->)-

 2- làm lúa sạ.

 1-Lúa cấy

Lúa cấy, thường là vụ mùa 6 tháng từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch. Nguồn nước chủ yếu là nhờ vào nước trời mưa, năm nào mưa thuận gió hòa có đủ nước thì trúng mùa.

Đầu mùa mưa, nông dân cầy đám mạ. Đám mạ có diện tích bằng 1/10 miếng đất mình có. Cái cầy được trâu hoặc bò kéo, cày để úp mặt đất xuống cho chết cỏ, mỗi luống cày ngang độ hai gang tay. Cày đều không để sót (lòi) một đường nào. Mỗi buổi từ 5 giờ sáng đến 10 giờ cày xong một công đất (1000m2). Cày rất vất vả, người Việt mình thường nói “ qua Mỹ cày 2-3 jobs"- ý nói lên sự vất vả đó! Cày xong, người ta bừa cho đất bể ra ( vỡ ra) và trục cho đất nhuyễn ra, lượm cỏ sạch; dùng cái bừa lật ngược răng lên, trâu bò kéo đi vòng khắp mặt đám mạ cho bằng phẳng gọi là trạt, phía dưới cái bừa, người ta để một con cúi ( con cúi là lấy rơm thắt lại như thắt bín (bím). Con cúi này cắt rãnh cho nước rỏ xuống, xong là gieo mạ.

Một đám mạ có diện tích 1000m2, phải ngâm 2 giạ lúa (một giạ có 40 lít) và có đám mạ như vậy đủ cấy một mẫu đất(10.000m2). Lúa giống ngâm 24 giờ vớt ra ủ cho lên mộng, mỗi ngày tưới nước lạnh, sau 2-3 ngày lúa lên mộng đều, đem gieo trên đám mạ gọi là gieo mạ, phải giữ cho đám mạ không bị ngập nước. Nếu bất chợt, dùng gàu sòng tát ra, 5-6 ngày mạ lên cao cho nước vào từ từ…..Sau 1 tháng 20 ngày nhổ mạ.

Thời gian sau khi gieo mạ xong, người ta cày phần đất còn lại để chuẩn bị cấy, cũng cày bừa, trục, nhổ cỏ……

 

Mạ được nhổ lên để trên cái ghế nhổ mạ dùng dây tranh buộc từng bó. Nông dân dùng cái cộ ván, cộ ván làm bằng cây mù-u, ngang độ 1 m dài 2m5, có phần mỏ phía trước uốn cong lên, cho dễ lướt trên mặt ruộng khi trâu bò kéo cộ chở mạ đi. Mạ được giậm từng bó cách nhau độ 3m đều trên mặt ruộng. Hôm sau, một số 2-3 chục người đàn bà, họ tháo từng bó mạ, tách ra từng nắm nhỏ, lại chia ra từng 4-5 tép mạ và cấy xuống, cây lúa cách nhau độ 3 tấc. Một người, một ngày có thể cấy xong 1 công đất (1000m2), 3 ngày sau người ta lội rảo trong đám ruộng để sửa cây lại những cây lúa nổi gọi là giậm lúa.

 

Có lẽ để bớt đi sự vất vã, quên đi sự nhọc nhằn, những chị em đi cấy, thường nói chuyện vui, chuyện nhà cửa, chuyện cô này cậu kia….Nhất là thường nghe tiếng hò vang lên giữa trời đất mênh mông, tạo ra không khí vui nhộn trong cảnh thôn quê thanh bình. Vài anh chị hò, hò ghẹo nhau, hò nói lên tình cảm mình và có nhiều trai gái hò đối đáp nhau rồi dính nhau thành vợ thành chồng (ở quê người ta có mấy từ như cậu nọ lấy chị kia hay gặp, hay đụng…. để nói lên cái ý là 2 người thành vợ chồng). Phải nhận là hò đối đáp nhau, 2 người có năng khiếu đặc biệt, hò cả vài giờ thật hay. Câu hò thường thường là những câu ca dao 6-8. Họ lấy hình ảnh đồng quê… trời mây, cây trái, ruộng vườn…rồi ứng khẩu thành câu hò như:

 “ Hò.. ơ.. ớ… đến đây, mến cảnh, mến người, 

 mến cô em gái, miệng cười có duyên”.

 

Nếu cô em gái nào đó, cảm thấy mến cậu trai, thì hò đáp lại:

 “Hò.. ơ…ớ, Em đây phận gái thuyền quyên

 Anh mến nói vậy, có duyên đâu nào!..”

 

Đôi khi họ dùng một số ý, nên câu 6 trở thành 8-10 chữ và câu 8 trở thành 10-12-16--- nhưng vẫn có vần như thể 6-8:

 “ Hò…ơ…ớ. Trời mưa trời gió lạnh lùng.

 Thấy em đi cấy, vất vả nhọc nhằn, muốn thưa cha mẹ, cho đôi ta chung một nhà”.

 "Hò…ơ…ớ. Anh ơi chớ nói gần xa,

 Mến thương em thật, dọn nhà qua ở với em".

 

 Ít khi họ hò choảng nhau như:

 "Hò…ơ…ớ Trên trời có vạn vì sao

 Hai vì sao sáng lọt vào mắt em."

Cô nào đó thấy không có cảm tình với cậu nhọ, hò đáp lại:

 "Hò…ơ.. ớ Trên trời có vạn vì sao. 

 Hai vì sao nặng lọt vào miệng anh ( sao nặng nói lái là xạo)"

Người dân sống ở thôn quê có được tình làng nghĩa xóm, vì sống gần gũi nhau từ nhỏ đến lớn…và làm ruộng nương, vườn tược,họ làm vần công. Làm vần công là thí dụ: Hôm nay anh A đến nhà anh B, để đấp bờ ruộng mà không lấy tiền, rồi ngày nào đó anh B đến nhà anh A phụ làm cho anh A như ban gò. Họ làm vần công có khi chỉ ăn cơm trưa thôi. Cũng vậy một đám công cấy có 30 người, họ lần lượt cấy trả công cho nhau. Nếu trong 30 người, có một người không có ruộng thì 29 người kia phải trả tiền cho người đó, mỗi người một ngày tiền công.

Sau khi cấy xong, người nông dân chỉ căm sóc cho đủ nước, sâu bọ….Ba tháng sau là lúa trổ đòng đòng, sau 20 ngày thì bông lúa sắp chín, người dân gọi là cong trái me và độ 10 ngày nữa là thu hoạch.

Những cô thôn nữ dùng lưỡi hái, cắt từng bụi lúa, để gom lại từng mớ lúa độ một ôm tay. Hai ba cậu trai dùng một dụng cụ gồm 2 thanh cây mù u nho nhỏ dài độ 5 tấc được nối với nhau bằng sợi dây cũng độ 5 tấc gấp mớ lúa, đem đập vào cái bồ đập lúa, hột lúa rơi trong bồ, còn lại thân cây lúa gọi là rơm, rơm phơi khô để nấu, hoặc chất thành cây rơm để dành cho trâu bò ăn.

 

Chúng ta nghe nói rơm rạ, rạ là phần dưới dưới đất của thân cây lúa. Rạ để vậy cho mục nát làm phân cho mùa sau, có người nhổ ra đem về ủ nấm.

Lúa hột trong bồ đập lúa, được đổ vào bao chất lên cái cộ mỏ cũng làm bằng cây mù u trâu bò kéo về sân lúa. Sân lúa được làm tạm trên vuông ruộng gần đó. Để làm một sân lúa, trước hết người nông dân giẩy gốc rạ, căng bằng mặt đất, tưới nước, đánh 2-3 con trâu đi vòng vòng trên sân cho đất dẽ xuống. Sau đó lấy phân trâu trộn nước dể tráng lên mặt sân cho phẳng cho dễ quét lúa. Một hai ngày sau sân khô mới đổ lúa. Tại sân lúa, người ta cất tạm một cái chòi nhỏ che nắng ban ngày khi phơi lúa, ban đêm ngủ giữ lúa. Mấy chú trâu buộc vào nọc, nằm nghỉ gần đó!

Người ta dùng cái bừa vào tung lúa ra cho lá lúa còn sót lại và quét tách rời ra gọi là kiểu lúa, dùng cái trang (làm bằng ván) kéo lúa qua lại cho mau khô, tiếp theo là dê lúa, người ta lấy một chà tre buộc vào ghế, họ đứng trên đó đổ từng thúng lúa xuống chà tre, lúa lép, vài cộng lá lúa còn lại được gió đẩy ra xa đống lúa chất hột. Ở nước ta, có gió chướng từ tháng 10-11 đến tháng 2-3 nên việc dê lúa dễ dàng. Sau đó, chuyển lúa về nhà, chứa trong bồ ( bò lúa làm bằng tre đương (đan). Mỗi bồ lúa chứa 7-8 chục giạ. M7ột công lúa cấy thu hoạch độ 17-18 giạ.

 

 

 

2-Lúa Sạ

- Lúa sạ ( 3 tháng 1 vụ). 

Vào những năm 1970 trở về sau, nông dân chỉ làm vụ mùa 3 tháng, một năm làm 3 vụ:

- vụ hè thu từ tháng 5-6-7

- vụ thu đông từ tháng 8-9-10

- vụ đông xuân từ tháng 11-12-1

 

Vụ mùa 3 tháng chỉ sạ, công việc làm đơn giản hơn, dùng máy xới. vừa xới vừa kéo theo cái trục. Một công đất xới độ 2 giờ là xong. Người ta để một đầu bẹ dừa hoặc con cúi dưới cái trục, trục không lăn được, đầu bẹ dừa cắt thành rãnh nhỏ, nước rỏ xuống,xong là sạ ngay.

 

Sạ lúa, phải ngâm lúa giống cho lên mộng, mỗi công đất sạ 20 đến 25 lít lúa. Khi sạ, người ta dùng thúng đựng lúa giống và lội theo từng luống tung đều lúa giống ra khắp mặt ruộng. Sạ xong 3-4 ngày sau, mới cho nước vào từ từ. Độ 15 ngày sau khi sạ, xịt thuốc diệt cỏ dại. Kế đến bón phân và giậm lúa. Vì sau khi sạ, có một số chỗ lúa bị chết, phải nhổ chỗ rậm đem giâm chỗ lúa chết. Ngày nay, người ta làm một dụng cụ như cái bừa cào bằng sắt chỉ có 4-5 răng được uốn cong cong, để móc chỗ lúa rậm đem bỏ vào chỗ lúa chết thế là xong, làm rất nhanh, đỡ tốn công nhiều.

Lúa sạ, độ 2 tháng thì trổ đòng và thu hoạch sau đó độ 1 tháng. Một công lúa sạ có thể được hơn 20 giạ lúa.

Còn một lối sạ khác không tốn kém nhiều.Như xong vụ hè thu, người ta rải đều rơm trên mặt ruộng, phơi 4-5 ngày cho rơm khô, đốt rơm cho nước vào, sạ lúa ngay, hôm sau rút nước ra. 3-4 ngày sau bơm nước vô từ từ và chăm sóc như xạ có máy xới. Lối xạ này người dân quen gọi là sạ chay.

 

Vài tục ngữ ca dao về ruộng

*Ruộng sâu, Trâu Nái:

Nghĩa đen là thông thường ruộng sâu nước mưa và bao nhiêu cỏ rạ mục trôi về đó nên đất tốt.Trâu Nái là trâu cái đẻ con có lợi.

Nghĩa bóng:Giầu có của cải toàn đồ tốt, sản xuất nhiều, ngày càng giầu thêm

 

*Ruộng sâu, Trâu nái không bằng Con Gái đầu lòng:

Có ruộng sâu, trâu nái, tuy có lợi, nhưng không bằng có con gái đầu lòng được nhờ sớm có lợi hơn.

 

*Ruộng ai nấy đấp bờ: việc ai nấy lo, phần ai nấy giữ:

 "Ruộng ai thì nấy đấp bờ

 Duyên ai nấy gặp, đừng chờ uổng công"

 

*Ruộng bề đề, không bằng nghề trong tay

Ruộng đất rộng, tiền của nhiều chưa hẳn là sung sướng vì còn lo mất mùa, lụt lội, trộm cướp, có ngày phải đói. Còn có sẵn một nghề trong tay không sợ đói. Càng làm càng tinh xảo, sống vinh về nghề đó “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” 

 Nhưng có một thời nho học cực thịnh, học cốt để làm quan, lại có câu:

 " Chẳng tham ruộng cả, ao liền

 Chỉ thương cái bút, cái nghiên anh đồ"

 

Thế nhưng người dân vẫn quý đất ruộng:

 Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

 Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

 

 Những cô gái quê chân đất thật thà

 Sống với ruộng rẫy cũng được yêu chuộng:

 Trắng như bônglòng anh không chuộng

 Đen như cục than hầm làm ruộng anh thương.

 

Để nói lên sự vất vả về nghề làm ruộng có mấy câu:

 -Đi cày đang buổi ban trưa

 Mồ hôi đổ xuống như mưa tháng mười

 -Ai ơi bưng bát cơm đầy

 Dẻo thêm mấy hột, đắng cây muôn phần

 

Ở thôn quê mọi người và vật đều như có sự phân công, đồng tâm hiệp lực cùng lo chung việc đồng ruộng.

 Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

 Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

 

Nước ta hai miền trồng nhiều lúa là miền Bắc và miền Nam, miền Trung ít hơn. Về lúa gạo người ta ví như một gánh lúa. Miền Bắc và miền Nam là 2 thúng lúa, miền Trung là cây đòn gánh.Những tỉnh ở miền Bắc có trồng nhiều lúa như: Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên

Ở miền Nam những tỉnh có trồng nhiều lúa như: Long An, Tiền Giang ( Mỹ Tho), Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trang, Bạc Liêu. Long An nổi tiếng có gạo chợ Đào,

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn