Tôi đã đọc ở đâu đó về một người đàn ông đi nhặt đồng Penny. Thói đời, người ta khi bước ra đường vẫn thường thích ngẫng mặt lên mà bước, có người thích ngắm trời mây, có người thích ngắm mọi thứ chung quanh mình và cũng có người cố tạo cho mình một vóc dáng kèm theo bộ mặt thật oai để được mọi người nhìn ngắm. Chỉ có một người đàn ông vẫn hay thường cuối mặt xuống, hướng ánh nhìn của mình về phía mặt đường... ông ta tìm nhặt những đồng penny vương vãi ở khắp mọi nơi.
Quả thật sống ở đất Mỹ, nhìn thấy những đồng penny ở đâu đó rất thường, trong học xe hơi, trên kệ sách, trên bàn học và ngay cả trên đường phố vẫn thường nhìn thấy chúng. Gần như gia đình nào sống ở Mỹ cũng thường chuẩn bị một chỗ để riêng những đồng penny, có khi là một cái thùng nhỏ, một cái hộp, một cái lon hay một cái chai thủy tinh... đủ kiểu, đủ cách. Vậy mà ngoài những chỗ đã được chuẩn bị, chúng vẫn thường xuất hiện ở khắp nơi ngay cả trên đường phố. Đó là lý do người đàn ông hay tìm kiếm chúng, bởi chỉ cần đồng penny 1 cent đã đủ cho 1 bữa ăn sáng của một trẻ em ở một vùng xa tại Việt Nam.
Chuyện kể rằng, có những bà sơ muốn dạy chữ cho các em bé ở trong vùng quê hẻo lánh, các sơ đã không quản ngại cực công để chuẩn bị sách vở, trường lớp cho các em chỉ mong giúp các em có được chút kiến thức để tạo hành trang bước vào đời. Nhưng khổ nổi nhà các em quá xa, từ nhà đến trường các em phải đi bộ vài cây số, khi các em đến được trường thì cái đói đã hành hạ các em, không còn đủ sức để nghe lời giảng của các sơ nữa.
Ông bà mình có câu “Đã thương thì thương cho trót”, vậy là các sơ phải nhịn cả phần ăn của mình hoặc tìm mọi cách để có được củ khoai, trái bắp vào mỗi buổi sáng để cho các em được tới trường. Mỗi phần ăn của các em dù là bắp, khoai mì, khoai lang... cũng phải mất 2000 đồng tiền Việt Nam, tương đương đồng penny 1 cent tại Mỹ. Việc làm của các sơ và hình ảnh của các em đã làm xúc động người đàn ông đã khiến ông trở thành người đàn ông đi nhặt những đồng penny, chỉ cần sự xuất hiện của đồng penny 1 cent đồng nghĩa với một bữa ăn sáng cho một em bé. Thật là một việc làm hết sức có ý nghĩa.
Từ khi tôi đọc được bài viết trên cái nhìn về đồng penny với tôi thay đổi, tôi quan tâm đến chúng hơn, để ý đến chúng hơn, thỉnh thoảng tôi cũng nhặt đường những đồng 10 cent, 5 cent, 1cent. Khi thì ở ngoài parking, khi trong chợ, loanh quanh trên đường phố hay một chỗ nào đó mà chúng xuất hiện, cũng chỉ để mong tiếp sức với các sơ biến chúng thành những bữa ăn cho các em bé ở quê nhà. Các cháu cũng cùng thế hệ với con cháu của tôi vậy mà... Nhìn các con, các cháu mình đang sống trên đất Mỹ này quá đầy đủ, đến mức dư thừa, hoang phí. Chúng được sống trong một xã hội văn minh và nhân bản, mọi tiện nghi từ vật chất đến tinh thần được thừa hưởng hết sức trọn vẹn, để rồi chúng lớn lên chưa từng biết đến sự đói khổ, thiếu thốn... làm sao các cháu hình dung được sự đói ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện đến trường cùng với những thú vui giải trí của tuổi ấu thơ như các cháu đang có. Và làm sao các cháu để ý đến những đồng penny nhỏ xíu cùng với việc làm của người đàn ông đi nhặt những đồng penny kia...
Chuyện về những đồng penny cứ luôn ở trong tôi, cho đến một hôm tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy mình cùng với đứa con trai lúc còn rất khỏ khoảng 5,6 tuổi, cái tuổi luôn lẽo đẽo theo bên mẹ đi bất cứ nơi đâu. Hai mẹ con đi đến một chiếc tàu rất lớn, là dạng những chiếc cruise dùng để chở vài trăm người đi du lịch trên biển. Lúc này tàu vừa cập bến, du khách đã lên bờ, trên tàu trống không. Tôi và con trai lên tàu như những người đi tìm kiếm, lượm nhặt những gì còn sót lại trên tàu. Chúng tôi đi lần từ hành lang đến khu giặt quần áo, trong khu này sắp đầy những chiếc máy giặt, máy sấy như những tiệm tự giặt mọi người thường bỏ quarter vào máy giặt đồ. Con trai tháy máy tay chân, nghịch ngợm kéo từng học chứa xà bông, nước tẩy, nước xã thơm quần áo. Trong lúc tôi đang nhìn ngắm mọi thứ thì con trai tôi kêu lên:
- Mẹ ơi lại đây xem nè... có tiền mẹ ơi.
Tôi vội vã đi đến bên con trai, nhìn thấy nơi những học này sắp đầy những đồng quarter. Tôi nghĩ lạ: “Ai lại bỏ tiền vào trong này kia chứ?” Chưa kịp có câu trả lời thì giọng con trai tôi lại vang lên:
- Đây nữa mẹ ơi...
Con trai tôi lần lượt kéo từng học máy ra, cứ thế cháu nhặt những đồng quarter mang đến cho tôi, hai mẹ con tôi tha hồ mà nhặt những đồng penny trắng tinh lạ lùng ấy.
Hết máy giặt đến máy sấy, thằng bé mở toang cửa máy sấy ra và chui hẳn vào trong. Vì chỉ là đứa bé nên nó dễ dàng chui thọt vào để tìm kiếm. Lúc này con trai tôi nhặt ra những đồng penny khác nhau, 25 cent, 10 cent, 5 cent và cả 1 cent... đặc biệt là chỉ toàn những đồng tiền coin không hề có tiền giấy. Chuyện tiền có trong máy sấy vẫn thường gặp thấy, thỉnh thoảng khi giặt đồ tiền sót lại trong túi không nhớ lấy ra. Nhất là mấy ông thuận tay nhét vội những đồng tiền thối hay vài xu lẻ vào túi, thay đồ ra bỏ vào thùng đồ dơ, đến lúc đi giặt quên kiểm tra lại thì chắc chắn chúng sẽ rơi ra. Có lần tôi nhặt được cả tờ giấy $100 cũng từ máy sấy, té ra là của ông chồng nhét trong túi quần rồi quên đi vì nó quá mỏng.
Khi kiểm tra xong phòng giặt đồ thì 3 túi áo của tôi đã đầy ấp và nặng trình trịch vì những đồng tiền coin. Không hiểu sao lúc lên tàu trên người tôi lại mặc chiếc áo unifom của thợ Nail (có lẽ chiếc áo trước đây tôi vẫn mặc thường ngày, nay nó theo tôi cả trong giấc mơ) vì vậy mà có nhiều túi to có thể chứa từng ấy tiền. Dù là những đồng tiền coin nhưng nhẫm tính thì cũng khá nhiều tiền, trong đầu tôi bỗng dưng nghĩ ra một việc: “Sao mình không thử xin làm công việc dọn dẹp trên những con tàu này nhỉ? Chừng này tiền cũng đủ sống trong thời buổi này rồi...”. Có lẽ sau thời gian dài không có việc làm hoặc có làm cũng không có được tiền nhiều như thế này, nên khi thấy tiền ngay cả trong giấc mơ tôi vẫn nghĩ cách kiếm ra việc.
Tiếp sau đó, vì “lòng tham không đáy” của tôi hay bản chất tận cùng của cái gọi là người của tôi trổi lên, thúc giục tôi đi vào những phòng của du khách đã từng ở để thăm dò, tìm kiếm. Mở những tủ để quần áo, những ngăn kéo trên bàn trang điểm và cả trong phòng tắm... Tôi bắt gặp nhiều thứ còn xót lại: một vài cây viết, thỏi son, những cây kẹp tóc, một vài mảnh giấy viết vội... và tất nhiên là có cả những đồng tiền xu. Tôi lại tiếp tục nhặt những đồng tiền vội vã, bỏ mặc những món đồ lỉnh kỉnh kia đi, vốn dĩ chúng đã bị chủ nhân bỏ quên lại trước tôi rồi còn gì.
Được một lúc, trong tôi lại trổi lên ý nghĩ “Không được, mình đang làm việc phạm pháp. Đây là phòng riêng của người ta mình không được vào và lấy đi bất cứ thứ gì” Có lẽ chút thiện lành trong tôi còn có lại trổi lên, thế mới biết thiện, ác, tham lam, trong sáng... đều có đủ trong một con người, chỉ cần đúng hoàn cảnh là chúng hiện ra. Và quan trọng hơn hết bên cạnh tôi còn có sự hiện diện của con trai tôi, tôi không thể dạy cho con tôi cách lấy tiền của người khác một cách không trong sạch như vậy được. Bỏ lại những đồng tiền vào những nơi tôi đã nhặt chúng rồi nắm tay con rời khỏi những căn phòng... tôi chợt thức giấc. Rời khỏi cơn mơ, tôi chợt hiểu tôi đã đem tất cả những gì xảy ra chung quanh trong đời sống của tôi vào một giấc mơ. Giấc mơ của tôi và đứa con trai.
Tôi và cha con trai tôi chia tay nhau khi nó 13 tháng tuổi, còn lại hai mẹ con sống với bà ngoại. Vừa làm cha vừa làm mẹ, tôi cố gắng nuôi con bằng hết khả năng của mình, những lúc quá khó khăn tôi cũng tính liều chuyện này chuyện nọ, nhưng nghĩ đến con tôi không thể phạm tội. Vì con tôi là con trai, lòng tự ái và mặc cảm hơn cả con gái, khi lớn lên cũng không thể gần gũi mẹ để có sự cảm thông dễ dàng được. Tất cả những điều này đã dừng tôi lại để giữ cho con trai tôi sau này được tốt đẹp. Rồi những khó khăn cũng qua đi, hai mẹ con loay hoay sống bên nhau bằng đủ thứ việc. Tôi nhớ mùa tết năm 1995, lúc đó tôi vừa mở được một tiệm cà phê tại chợ Tân thuận, những ngày gần tết cà phê ít khách, tiệm lại nằm ngay chợ nên tôi nhận bán thêm dưa hấu cho người đi chợ. Gần 5 tấn dưa hấu đã lần lượt đưa về đây, những buổi chợ trưa, chợ đêm thằng bé cũng theo tôi ra chợ. Lúc đó con trai chỉ hơn 4 tuổi, nói chuyện còn những từ đớt đác nhưng cũng nhanh miệng học theo mẹ mời chào. Có một lần thằng bé mời một ông khách lớn tuổi đi tới hàng tôi, trên tay ông ta xách một ít bánh mứt, hột dưa.
- Chú ơi, chú mua dưa hấu cho con đi, dưa hấu đỏ, ngọt, ăn mát lắm không có nóng như ăn chú ăn bánh mứt, hột dưa đâu.
Ông khách phì cười vì thằng bé bây lớn cũng bày đặt so sánh để bán hàng. Năm đó tôi cũng bán hết được số dưa vào chiều 30 tết nhưng đổi lại cả hai mẹ con bị mất tiếng, khan cả giọng vì mời chào khách hàng và ăn dưa hấu quá nhiều, thằng bé đâu biết rằng ăn dưa hấu thì mát ngoài miệng nhưng rất nóng trong người. Những khi quán cà phê đông khách cháu cũng lăng xăng giúp lau bàn, mang nhang muỗi đặt dưới bàn của khách (vì cà phê sân vườn ở Việt Nam muỗi không ít). Nhiều khách uống cà phê thấy thằng bé trắng trẻo, dễ thương thưởng cho một vài ngàn, thằng bé chạy vào tủm tỉm vừa cười vừa khoe.
Khi con trai lớn hơn một vài tuổi, tôi chuyển sang làm du lịch. Những chuyến đi nào có thể mang con theo được, tôi cố gắng mang con theo.Những lần đi cứu trợ bão lụt miền Tây, những chuyến sinh hoạt hướng đạo lên tận Ban Mê Thuột mẹ con cùng đi. Tôi muốn cho con biết được nhiều nơi, được gần gũi với thiên nhiên và có thể tìm hiểu đời sống của những người dân sống ở nơi xa xôi hẻo lánh, tập cho con biết chia sớt với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Cứ như thế mẹ con tôi cũng đi được nhiều nơi, biết được nhiều chỗ trên đất nước.
Ngày tháng trôi qua, con trai tôi ngày một lớn, xã hội càng lúc càng phức tạp bởi tệ nạn ma túy nổi lên cùng với bệnh HIV đi kèm theo. Khắp hang cùng ngõ hẻm, từng tốp thanh niên tụ tập hút chích ngày đêm. Mỗi buổi sáng trước khi con trai tôi bước ra khỏi nhà đi học, mẹ tôi phải bước ra trước cầm chổi quơ một vòng trước nhà để tránh cho cháu dẫm phải kim chích. Rồi gia đình tôi gặp biến cố lớn theo kế hoạch phát triển của thành phố, bị lấy nhà, lấy đất để xây dựng khu đô thị mới, cả đại gia đình chúng tôi tứ tán khắp nơi. Trước hoàn cảnh đó tôi đã rất lo sợ cho tương lai con tôi, tìm đủ mọi cách để tạo một tương lai an toàn cho nó. Duyên số đẩy đưa tôi tái hôn với một người đàn ông để mang con rời khỏi Việt Nam, lòng hân hoan khi nghĩ tới một tương lai tốt đẹp đang chờ đón.
Con trai tôi đến Mỹ khi bắt đầu tuổi 14, cái tuổi chưa kịp từ giã con nít đã vội đòi làm người lớn. Những tâm sinh lý thay đổi trong một thân hình to lớn của nó, cộng thêm thay đổi môi trường và hoàn cảnh sống... nghĩ cũng tội nghiệp cho con khi cùng một lúc phải chịu sự chi phối của nhiều thứ, chung quanh nó lại chỉ có một mình tôi. Phần tôi cũng phải tập tành nhiều việc, từ công việc làm đến những sinh hoạt thật mới mẽ nơi mình vừa đặt chân đến, kể cả cái gọi là gia đình bên cạnh một ông chồng cũng hoàn toàn mới mẽ sau một vài năm tìm hiểu, yêu thương gầy dựng lại một gia đình. Nói thì đơn giản, thực tế không đơn giản chút nào, “chén trong sóng còn khua còn động...” huống hồ gì con anh, con em, con chúng ta. Ai cũng có cái lý của mình, người lớn muốn tốt cho người nhỏ, dạy bảo, sửa đổi việc nọ việc kia. Có lúc ngọt dịu, có lúc răn đe, có khi dụ dỗ. Người nhỏ thì đang muốn chứng tỏ mình là người lớn, cũng biện luận cho việc mình làm, nhẹ nhàng thì im lặng âm thầm làm theo ý mình, nặng nề hơn thì cãi lại và rồi chiến tranh gia đình nổ ra. Cả hai người đàn ông, một lớn, một nhỏ, đều cho mình đúng. Cả hai đều luôn miệng: “như thế này là không công bằng”. Có bao giờ họ nghĩ lại và dành một chút công bằng cho tôi, người luôn phải giải bày với bên này che chở cho bên kia, cố gắng dung hòa để giữ êm ấm cho gia đình.
Thời gian cứ thế trôi, vài năm thằng bé ngày nào trở thành một chàng thanh niên với những điều bất ổn trong thân tâm, cộng thêm nhiều ham muốn với đời sống vật chất của một đất nước vật chất đứng đầu trên thế giới. Khi thì chiếc phone mới, laptop mới, khi thì quần áo mới, Ipad mới... và rồi đến cả xe mới. Là một người đàn bà không có nhiều khả năng, không giỏi kiếm tiền đồng nghĩa với một người mẹ thiếu phương tiện cho con, ngay cả tình cảm cũng bị chia sẻ cho một người đàn ông khác không hoàn toàn dành cho nó. Thằng bé không thể vòi vĩnh mẹ chuyện tiền nong, phải tự đi kiếm tiền và lãng quên việc học hành. May mắn là việc kiếm tiền của nó còn lương thiện, ngày ngày dành tất cả thời giờ vào việc đi làm để thỏa mãn những nhu cầu của riêng nó, không lo nghĩ đến tương lai. Khoảng cách một ngày một xa, tình cảm một ngày một mất, tôi nhìn con ngày một dần xa, một cách bất lực. Trước những lời nguyên răn của mẹ, con tôi chỉ buông gọn một câu: “Money talk”, và khi sự căng thẳng giữa tôi, con trai và người đàn ông nó gọi là ba được nâng lên hết mức, nó đã không ngần ngại mà hỏi tôi rằng:
- Có bao giờ mẹ tự hỏi mẹ đã làm tròn bổn phận làm mẹ với con chưa? Mẹ đã làm gì để bênh vực, bảo vệ cho con của mẹ?
Tôi như hóa điên đập cho nó một cái thật đau và rồi trở nên câm lặng trước nó. Không có gì để diễn đạt được nỗi đau tôi đang trải. Chồng nói nặng một lời mình đau một, con nói nặng một lời mình đau gấp trăm lần, có phải tự mình cũng đặt ra sự thiên vị ngay cả với những điều riêng nhất của đời mình chăng?
Chuyện xảy ra cũng đã nhiều tháng, thằng nhỏ chắc là oán mẹ rất nhiều nên giờ gặp mặt nó chẳng màng chào hỏi. Nghĩ lại tôi thấy mình quá tệ, không đủ sức để dung hòa giữa một người đàn ông không đủ lòng bao dung để yêu thương, tha thứ, kéo gần đứa nhỏ về với mình và một đứa nhỏ không đủ sức hiểu được thế nào là những định mệnh, thiệt thòi của đời sống. Tôi chỉ còn biết tự trách mình hoặc giả an ủi bằng cách chấp nhận cho nghiệp số. Trên tất cả mọi sự liên hệ trên cõi đời này, duy nhất một điều tôi biết chắc là không thể thay đổi, đó là sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Có ai được quyền lựa chọn cho mình một cha mẹ để sinh ra hoặc ngược lại. Phải chăng như thuyết nhà phật là do nghiệp số, có những nghiệp tốt và những nghiệp không tốt khi được gọi là cộng nghiệp, nợ nần nhau mà ra cả.
Đã đành là vậy, nhưng tận cùng đâu đó trong lòng tôi vẫn nhói đau mỗi khi nghĩ đến. Bất chợt nhìn thấy thằng bé nào khoác cặp đi học trên đường về, giống dáng vóc thằng con ngày trước lòng bỗng chợt đau. Thoáng nhớ về một kỷ niệm xa xôi nào đó về con, tôi nghe nghèn nghẹn và nước mắt cũng chợt ứa ra. Cố dằn chúng lại để che dấu những nổi đau và chỉ còn biết cầu nguyện một ngày nào đó, đứa con đủ lớn, đủ hiểu mà cảm thông cho mẹ, bỏ đi những ý nghĩ hằn học và quay về. Và ước gì tôi có một điều ước, được lựa chọn một lần nữa, tôi sẽ từ chối tất cả những gì được xem là tốt đẹp nhất mà tôi đã chọn chỉ để giữ lại tình cảm ngày nào của mẹ con tôi. Phải chăng tôi đã trả một cái giá quá đắt cho cuộc đời mình khi quyết định mang con đến đất nước này. Một đất nước đã cho tôi được nhiều thứ nhưng cũng đã lấy mất điều quý giá nhất của cuộc đời tôi còn đâu.
Ôi đồng tiền, dù chỉ là 1 đồng penny nhỏ bé nhưng giá trị của nó thật lớn lao. Bằng ngược lại thì bao nhiêu cũng không đủ và rồi cũng chính những đồng tiền ấy đã dẫn con người ta đi rất xa, xa tình thân, xa gia đình và có khi xa cả chính bản thân mình...