Thẻ Nghiệp

05/08/201112:00 SA(Xem: 16082)

Không khí bao la mà như màn vải mỏng, che chắn hai cõi âm dương sát bên nhưng người dương không thấy được kẻ âm, còn người bên âm vạch tấm “màn-không” là bước sang dương giới.

Triệu Tử Quân đêm ngủ thấy quỷ đến dắt đi. Khi điểm danh cùng đám hồn chết lại không có tên trong tờ lệnh dẫn độ, vị Âm Quan cho Quân tạm ở trạm Chuyển-Âm chờ tra lại sổ tử.

Tử Quân hồi tại thế làm nghề vá đan lưới cá sống quanh quẩn Alaska, luôn ao ước một lần đến huyện Cam nơi đất ấm Cali mà chưa thực hiện. Nay chết đi sinh lòng luyến tiếc, nhân lúc còn chờ xét sổ, đánh bạo đi liều. Bèn không chần chừ, vội vén “màn-không” bước xuống phố Bolsa, rong chơi lướt một vòng cho thỏa dạ.

Huyện Cam tập trung sống đông đúc người đồng hương như Quân. Tử Quân đứng trước một siêu thị thực phẩm, nối liền theo là nhiều tiệm bán buôn, người người tấp nập. Thì ra là ngày cuối tuần.

Đếm trong dòng người nhộn nhịp, thấy đa số già cả, ba phần trung niên, một phần trẻ nhỏ. Người nào cũng có mang “Thẻ Nghiệp” trên người, chỉ quỷ ma thánh thần mới nhìn thấy đọc ra.

Thẻ-nghiệp trên lưng người già cả ghi “Bệnh Dị-Quê”: “Sống không hội nhập xứ người, chết không chôn về đất tổ.” Họ đẩy xe đi chợ ra, Quân thấy có gạo, nước mắm, ba khía, bóng kèo, bạc hà, rau muống, khổ qua… những thứ nấu thành món ăn quê nhà quen miệng. Gần như với họ, món ăn ruộng đồng là nỗi nhớ quê hương.

Đám người vào liquor mua số xổ số cạo, ánh mắt phóng ra khát khao đờ đẫn. Thẻ-nghiệp gắn ở miệng túi ghi “Bệnh Mộng-Phú”: “Căn phần nghèo khó hay thất chí, bất lực, quẩn trí…” Số này có người ăn tiền già, có kẻ xin tiền bệnh, ông thất nghiệp, anh thất tình, chị cờ bạc…

Người khoác áo tu đứng khất thực kia, thẻ dính trên trán ghi “Bệnh Phỉ-Pháp”. Tráp ôm trước bụng đầy tiền, hai bàn chân sưng vù vì đứng triền miên máu đọng.

Một ông già mặt trầm trọng như kiêu căng, mắt xa vắng như khinh bỉ. Thẻ đeo cổ ghi “Bệnh Hội-Chứng”: “Chiến tranh làm uất hận, tù đày làm oán thù, nhớ đau một thời oanh liệt”.

Anh tóc bờm bù xù cầm lon bia bỏ trong bọc giấy, đứng dựa vách liquor lâu lâu tu ngụm giải sầu. Tấm thẻ-nghiệp trước ngực ghi “Bệnh Tự-Hại”: “Nghiện rượu chè, phế can hư hoại, sống vô gia cư chết vô địa táng. Số phần buồn đau dĩ vãng, bế tắc tương lai”.

Tấm thẻ nghiệp máng ở đầu sợi nịch lưng người đàn ông vừa bước ra chiếc xe sang trọng, làm Quân chú ý dữ tợn nhất: “Bệnh Kiệt-Tinh”: “Dục lạc như cầm thú, độc hại tựa hồ tinh”. Ghi chép phía dưới lờ mờ không rõ. Quân tò mò quyết định theo hắn.

Gã đàn ông vô liquor trở ra, trên tay cầm mấy tờ biên số. Lúc hắn mở cửa xe, Tử Quân liền chui vào băng sau. Hắn lái xe đến một quán rượu, vào bước thẳng tới ngồi chiếc bàn có năm người trung niên trạc cỡ đang gật gừ chuếnh choáng. Tử Quân cũng đã theo vào, thấy năm tên đều đeo thẻ-nghiệp, cái treo khóe mắt, cái như khoen tay, cái móc cánh mũi, cái xỏ vành miệng, cái xâu đầu lưỡi. Mấy thẻ nghiệp này có cùng chữ “Tinh” nhưng khác chữ đứng trước: Hoại, Di, Mộng, Triệt, Lậu; chú thích cũng khác: “Hoang dâm cuồng độ, bạo hành giao hoan, đau đớn khoái lạc, trói xiềng khích hứng, chửi tục tăng dâm”. Chúng cụng ly nhau bốp chát rồi khoe ra đủ chuyện về xứ Việt du hí trụy lạc, nào bao gái, hành dâm, mua trinh, hưởng lạc. Những chuyện Quân sống chưa từng nghe, chết chưa từng biết, khiến Quân óc sững sờ, lòng ngán ngẩm.

Quân chán nản bỏ ra khỏi quán. Nhìn lại, quán chật ních người, la nói vang rân. Năm sáu cô trẻ măng tất tả trên tay nào bia chai nào món nhấm, cúi khom nghiêng nép hầu bàn. Cô mặt trơ như quỷ nhập tràng, cô mặt nhăn như chảo lửa, cô mặt buồn như núi đè, cô mặt lạnh như tuyết rơi, cô lơ láo vô hồn, cô thơ ngây vô tội.

Buồn thay thế thái nhân tình, Quân mặc đôi chân mình thả bước. Bất chợt đọc thấy bảng đề “Thư viện bảo tồn văn hóa Việt”. Bất ngờ lý thú làm Quân đi tới, xuyên mình vào trong. Thư viện đóng cửa sớm chiều chủ nhật, càng thoải mái cho Quân. Viện có nhiều phòng, trưng bày nhiều thứ: Sách báo, hình chụp, hình họa, phim tài liệu, y phục dân gian, nhạc cụ cổ truyền, dĩa nhạc tân cổ v.v.. Một ít chén đĩa xưa bình lọ cũ. Nơi một phòng rộng trưng bày mô hình vài chiếc tàu thuyền vượt biển và đặc biệt là mô hình khu thị tứ Little Saigon, có bảng ghi mốc thời gian theo lịch sử thành hình.

Tử Quân tò mò muốn biết từng giai đoạn cuộc sống trải qua của dân cư Việt tại xứ này. Dò theo nhiều tài liệu, Quân thấy có ba giai đoạn lớn người Việt cùng đổ xô làm một ngành nghề, nhiều nhất là giai đoạn làm nghề Assembly, rồi một thời làm nghề May-công-nghiệp, sau cùng và kéo dài đến nay là nghề làm Nail.

Tóm lược theo những tư liệu trình bày, Quân được biết dựng thành một thị tứ mệnh danh “Sài Gòn Nhỏ” và phồn thịnh như hôm nay là công sức đóng góp của ba thế hệ tiền phong. Ngọn cờ tiêu biểu cho đất nước Việt Nam được người Việt ở Cam thành dựng lên đầu tiên và gìn giữ lá quốc kỳ ấy, nói lên hồn thiêng sông núi vẫn đầy ắp và uy nghiêm trong tinh thần người Việt xa quê hương.

Tìm hiểu xong, Tử Quân thấy mình không nên lấy cái xấu ít mà bôi quàng lên cái tốt đẹp nhiều.

Không phải chỉ riêng cuộc chiến tranh tàn khốc xảy ra vào thời điểm hơn ba mươi năm trước, mà, người dân lành bao giờ cũng là nạn nhân trải dài theo lịch sử. Người dân trong cuộc nội chiến kia, đối với bên “Cộng” thì là nạn nhân của một nhóm “cướp chính quyền” chạy theo và tôn thờ “chủ nghĩa Cộng Sản” ngoại lai; Đối với bên “Quốc Gia” thì là nạn nhân của một vì “Tổng Thống” độc tài gia đình trị, tiếp theo là vị “Nguyên Thủ Quốc Gia” có nước Mỹ thế thần đằng sau kín đáo dựng lên, tham quyền rồi bỏ chạy thoát thân. “Cựu Hoàng” Bảo Đại lưu vong còn sống bấy giờ, thì không còn đáng mặt “Vì Vương” để toàn dân trông vào, có thể lật ngược thế cờ Cộng Sản đè trên vận mệnh quê hương.

Người trong nước đã dần dà đi ra nước ngoài nhiều, ắt thấu hiểu và thấm thía hai chữ “Tự Do” là chọn lựa duy nhất của người dân lành hai miền Nam Bắc đào thoát và tị nạn Cộng Sản khắp nơi trên thế giới.

Không những người Việt tị nạn phải trả giá và trải qua bao cực nhọc để vươn lên nơi xứ người, còn giang tay đùm bọc gia đình quyến thuộc khốn khổ trong nước. Nơi xứ người, khi lớp con cháu được an cư lạc nghiệp thì tầng cha ông lắm cảnh chiếc đơn; Gia đình trong nước khi cửa nhà tươm tất, cuộc sống vững vàng thì sức lực bạc tiền ruột thịt nước ngoài giúp về cũng đến hồi suy kiệt.

Hiểu ra như thế, Triệu Tử Quân không nhất thiết phải thăm thú thêm. Và thấy sáu tên trong quán rượu kia chỉ như số nhỏ nhen sâu rầy trong cánh rừng tươi xanh khỏe mạnh. Tử Quân theo tài liệu hướng dẫn, tìm đến nơi có cột cờ Việt Nam đầu tiên. Đứng nghiêm trang một lúc trước ngọn quốc kỳ, rồi Triệu Tử Quân đưa tay vén bức màn-không về lại Trạm Âm.

 

**

 

Tử Quân về trạm không lâu thì vị Âm Quan đến. Ngài ngồi vào công án, hai quỷ hầu hai bên, cho gọi Quân đến trước mặt, phán:

-Ta tra sổ thấy ngươi bị bắt lầm. Tra thêm thấy ngươi hiếm sát sanh, hay giúp người khổ lụy. Trình lên Diêm Vương, xét thấy ngươi tuy sống bằng nghề vá lưới đơn sơ, nhưng có tâm thành đọc Kinh Phật, sách Thánh hiền. Nên đổi lại việc bắt lầm, ngài ban cho ngươi thêm mười hai năm tuổi thọ. Phần ta quan trách vụ, sẽ đáp ứng cho ngươi những điều muốn hỏi. Vậy có chi mờ mịt ngươi cứ đưa ra.

Tử Quân ngẩm nghĩ rồi đánh liều trình lên:

-Tôi nhân lúc chờ ở trạm, do ao ước thúc dục, bạo gan vạch màn-không đến xứ Cam Thành. Có ba việc nơi đó khó hiểu, là tiền kiếp ra sao hay nghiệp lụy gì mà cùng lúc số đông người cùng làm ba nghề vất vả: Lắp ráp điện tử, lắp ráp áo quần và gắn móng sơn chân? Mong ngài nếu có thể, xin cho được mở rộng trí ngu.

Vị Âm Quan gật gù, lộ sắc từ bi:

-Không ngờ ngươi có lòng quan hoài đến cộng nghiệp đồng hương ngươi. Nghe đây, những người “lắp ráp điện tử” vốn kiếp trước là thợ thủ công thiện nghệ. Kẻ trạm trổ cho chùa đình am miếu, kẻ khắc tô hoàng cung vua chúa, tô đắp trang hoàng lăng tẩm đế vương. Họ tuy hạng nghệ nhân dân dã tầm thường nhưng tấm lòng tráng lệ, đầu thai vẫn được theo nghề thợ giỏi khéo tay. Một số có thể trở thành nghệ sĩ tài hoa, ngàn đời để tiếng.

Ngược lại, hạng sư dỗ ép chúng sinh cất chùa to đắp bồi “Tăng mạn”; loại vua chúa bạo tàn bắt dân xây cung đình thỏa trụy lạc cung phi; thứ quan thú áp bức dân nghèo dựng dinh cơ bày tỏ thế quyền, đều kiếp sau bị đọa làm dã tràng se cát.

Còn số người kiếp này làm thợ may lắp ráp áo quần, đa phần do tiền kiếp khinh thường người lương thiện đổi chén cơm bằng mồ hôi sức lực, ngược lại bái trọng bề ngoài kẻ áo gấm bất nhân.

Vô số người làm nghề “gắn móng sơn chân”… Ấy a… một phen nan giải chốn âm đình!! Bao triều đại đế vua tính ra hằng hà số cung tần mỹ nữ!! Vua trên thì thiên hương thiên sắc hiến dâng lên, thâm cung thêm bao Thái giám phụng hầu; Quan dưới thì mỹ nhân thanh nữ chật phủ nứt nhà; Đến bọn lắm bạc vàng cũng thừa hầu dư thiếp.

Những nghiệp nữ nghiệp nam này, xét xử dâm ô đã có lầu xanh đảo hủi cho hóa kiếp. Còn người thân sạch tâm trong lại chút nghề không biết, truy cõi trần chưa phù hợp nào cho họ tái sanh. Đầy chật, kín cõi âm. Trình lên Thiên giới, Ngọc Hoàng sai Thần Trung Gian xuống thế lập nghề Nail. Từ đấy hàng hàng lớp lớp cung tần mỹ nữ được cho bọn Thái giám hiền lành theo cùng, đầu thai làm nghề chuốt móng tô chân, sơn điểm cho người trừ nghiệp xa xưa; Còn lại bọn cầu vinh mua tước đầu thai làm nghề nhổ lông gà vịt, tuốt móng heo trâu.

Kẻ nào đã được nghề lương thiện kia, giàu có hơn người chớ kiêu căng ngã mạn, đến khi gãy đổ vợ chồng nào khác kiếp lãnh cung.

Lục dục thất tình như sáu gã kia, ỹ bạc tiền mua trinh nghèo khổ, ỹ passport gạt cưới gái lương dân, ỹ đô la bao gái hưởng dâm tà, tội trạng đã ghi rành trên thẻ-nghiệp.

Ta vì tâm ngươi đã nói ngọn ngành. Hai quỷ mau đưa hồn trả về dương thế.

Triệu Tử Quân giật mình tỉnh dậy, hóa ra là một giấc chiêm bao. Nhìn lên tờ lịch mới biết mình đã ngủ giấc mê đến bốn ngày. Bụng đói lả.

 

Vương Kim Vân

Cam Thành, vào Thu 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn